Ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có xin phép tạm thời ngưng hoạt động vài ngày, do không đủ chi phí phục vụ. Đơn cử mức chiết khấu cho đơn vị bán lẻ quá thấp, trong khi chi phí cho cửa hàng cao, vì vậy các cửa hàng tư nhân không chịu nổi và xin tạm đóng cửa.
“Mới đây, ngành chức năng tỉnh Long An đã mời các đơn vị kinh doanh xăng dầu đến làm việc tìm hướng xử lý. Các đơn vị cam kết sẽ hoạt động trở lại kể từ ngày 9-2. Thời gian tới, tỉnh sẽ kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đơn vị nào không mở cửa kinh doanh sẽ bị xử lý theo quy định. Đồng thời, ngày 11-2, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu và đơn vị bán lẻ sẽ có buổi làm việc để điều chỉnh thống nhất mức giá, mức chiết khấu nhằm đảm bảo hoạt động...”, ông Hoanh nói.
Cùng ngày, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đảm bảo cung ứng sau Tết Nguyên đán 2022. Trước đó, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát thực tế trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho thấy còn nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán không đúng quy định.
Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các thương nhân phải kiểm soát hoạt động của cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, ngừng, giảm thời gian bán hàng sai quy định tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.
Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được ngừng bán hàng khi doanh nghiệp có văn bản thông báo đến Sở Công thương về thời gian ngừng bán hàng và lý do ngừng bán hợp lý. Đồng thời, yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu lập danh sách cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, nêu rõ cửa hàng nào đang tạm ngưng hoạt động, thời gian tạm ngưng bán hàng và lý do... báo cáo về Sở Công thương tổng hợp chậm nhất ngày 10-2.
Ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Qua khảo sát từ các đơn vị bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cho thấy lý do tạm ngưng bán xăng dầu là do họ bán không có hoa hồng; ngoài ra các đầu mối cung cấp không có xăng dầu để phân phối cho cơ sở bán lẻ. Hiện ngành chức năng đang cho lực lượng đi khảo sát, kiểm tra... nếu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng sẽ xử lý nghiêm”.
Tại An Giang, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh này cho biết, có 23 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xin tạm nghỉ do nguồn cung nhỏ giọt, giá tăng liên tục; doanh nghiệp bán lẻ không còn lãi, thậm chí lỗ tiền chi trả cho nhân viên. Số cây xăng xin tạm nghỉ chủ yếu ở các địa bàn xa trung tâm như TP Châu Đốc, huyện Phú Tân… Có cây xăng tuy vẫn kinh doanh, nhưng chỉ bán xăng RON 95, trong khi các loại khác không còn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay: “Đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra ngay các cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm nghỉ. Nếu đúng như lý do trình bày trong đơn tạm ngừng kinh doanh thì sẽ tìm cách tháo gỡ ngay để mở cửa trở lại. Nếu phát hiện cố tình găm hàng, chờ tăng giá thì sẽ xử lý nghiêm”.
Tại Kiên Giang, tình hình tương tự cũng xảy ra ở khu vực biên giới như TP Hà Tiên, huyện Giang Thành...
Ông Lê Khánh Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, từ trước tết tới nay nguồn cung cấp xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối khá hạn chế; ngoài ra giá xăng dầu còn liên tục điều chỉnh tăng tới 3 lần, khiến nhiều cửa hàng bán lẻ bị lỗ chi phí nhân công. Hiện tại, tỉnh Kiên Giang có khoảng 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm nghỉ. Cục Quản lý thị trường đang kiểm tra, xem các cửa hàng này nghỉ có đúng lý do trình bày trong đơn hay không.
Tại Cà Mau, chiều 8-2, ông Nguyễn Kim Lộc (chủ một cây xăng ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cho biết, hiện cây xăng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân vì đơn vị cung cấp xăng dầu với số lượng hạn chế. Bên cạnh đó, giá chiết khấu cho các đại lý bán lẻ rất thấp nên hoạt động không có lãi, thậm chí còn lỗ.
“Hiện một số anh em bán xăng dầu tôi quen biết thì đã có một số tạm thời đóng cửa. Còn cây xăng của tôi thì hoạt động cầm chừng thôi. Nếu tình hình này kéo dài thì chắc cũng phải ngưng hoạt động”, ông Lộc nói.
Tại Hậu Giang, Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Công thương báo cáo tình hình xăng dầu đầu năm 2022.
Cụ thể, trong năm 2021, NSH Petro được Bộ Công thương giao tổng nguồn xăng dầu là 433.000m³ và NSH Petro thực hiện đạt 462.000m³. Từ tháng 11-2021 đến cuối tháng 1-2022, các thương nhân phân phối và đại lý nhượng quyền bán lẻ đã đăng ký mua vượt khoảng 28% so với chỉ tiêu bình quân hàng tháng của NSH Petro, tuy nhiên NSH Petro vẫn đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Theo ông Mai Văn Thành, Tổng Giám đốc NSH Petro, hợp đồng sản lượng giữa NSH Petro với Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc hóa dầu Nghi Sơn không thực hiện được do nhà máy đang giảm công suất. Vì vậy, NSH Petro đã liên hệ các đối tác nước ngoài để nhập xăng dầu nhằm đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho khu vực ĐBSCL…