Dọc theo tuyến đường Nam Sông Hậu từ Cần Thơ đến Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc treo bảng hết xăng. Một số cây xăng vẫn mở cửa, trạm bơm vẫn sáng đèn nhưng không bán, có bán cũng chỉ bán cầm chừng 20.000 - 30.000 đồng/xe, giải quyết “tình thế” cho người đi xe máy. Nguyên nhân đóng cửa ngừng bán, treo bảng hết xăng được các chủ cửa hàng cho biết là do nguồn cung bị thiếu hụt và không còn vốn liếng để nhập hàng vì thua lỗ thời gian dài.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ đại lý bán lẻ xăng dầu doanh nghiệp tư nhân Năm Hung (xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), thuộc đại lý phân phối của PTC-Petimex, cho biết: Đã ba tuần qua, cửa hàng không còn một giọt xăng để bán, kể cả xăng mẫu cũng mang ra sử dụng cho xe máy gia đình và cho người đi đường chẳng may hết xăng dọc đường. Phía nhà cung ứng báo không còn hàng để giao, đôi khi giao cũng chỉ được 1.000 - 2.000 lít để “chữa cháy” rồi ngưng. Gần 30 năm làm đại lý bán lẻ xăng dầu, lần đầu “chủ cây xăng phải đi mua từng chai xăng”. Mấy ngày nay bà Vân phải nhờ xe ôm đi lên tận TP Sóc Trăng mua xăng về cho 2 đứa cháu đổ xe máy đi học, vì các cây xăng lân cận đều rơi vào hoàn cảnh giống mình.
Tại Cần Thơ, Công ty CP Taxi Mekong chi nhánh Cần Thơ vừa có công văn gửi đơn vị quản lý thị trường về việc xin tạm ngừng hoạt động cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Lý do, nguồn cung xăng dầu không ổn định, chiết khấu quá thấp nên doanh nghiệp không thể tiếp tục kinh doanh vì liên tục thua lỗ từ đầu năm 2022 đến nay.
Chị Nguyễn Xuân Đào, đại diện đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Anh Kiệt (nằm trên quốc lộ Nam Sông Hậu, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: Cây xăng đã đóng cửa hơn 2 tuần qua vì không còn vốn nhập hàng và cũng không thể trụ được nữa.
Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro), cho rằng: Các giải pháp ổn định thị trường xăng dầu hiện nay cơ bản hướng đến các thương nhân đầu mối, đơn vị cung ứng mà chưa thật sự đến được đại lý, người trực tiếp bán hàng. Hiện nay họ là người chịu thiệt nhiều nhất, thua lỗ liên tục thời gian dài, làm sao còn vốn làm ăn. Trong khi chính sách hạn mức tín dụng (room) như hiện nay, các đại lý khó tiếp cận vốn để duy trì kinh doanh. Nếu tình trạng này kéo dài, không có giải pháp căn cơ thì nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra.