ĐBSCL: Trồng lúa ST25, nông dân đạt lợi nhuận 50 triệu đồng/ha

Vụ lúa hè thu 2024, nhiều nông dân ở ĐBSCL trồng lúa ST25 đạt lợi nhuận 50 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với trồng các giống lúa khác.

Thời điểm này, nông dân các tỉnh miền Tây đang tập trung thu hoạch lúa hè thu. Tại các địa phương có diện tích trồng lúa nhiều như An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ…, giá lúa IR 50404 được thương lái thu mua từ 7.500 - 7.900 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 là 8.300 đồng/kg, lúa OM 5451 ở mức 8.200 đồng/kg, lúa OM 18 có giá 8.300 đồng/kg. Các mức giá trên đều cao hơn từ 300 đồng đến 500 đồng/kg so với đầu năm 2024.

1-lo-gao-cua-loc-troi-xuat-khau-sang-indonesia-1-7480.jpg
Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục thành công

Đáng chú ý, lúa ST25 được trồng phổ biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang giá bật lên 13.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là giống lúa có giá bán cao nhất tại ĐBSCL hiện nay. Với năng suất dao động khoảng 7 tấn/ha, nhiều nông dân trồng lúa ST25 đang đạt lợi nhuận 50 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với trồng các giống lúa khác.

Hiện nay, nông dân các địa phương vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 1,2/1,47 triệu ha lúa hè thu. Theo Bộ NN-PTNT, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, trị giá gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,9% về sản lượng và tăng 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Theo một số doanh nghiệp tại ĐBSCL, hiện đang vào cuối vụ thu hoạch lúa hè thu, giá lúa gạo trong nước ghi nhận sự tăng trưởng ổn định khi các doanh nghiệp tập trung thu mua để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, nhiều nước nhập khẩu lương thực đang gặp khó khăn trong sản xuất, dẫn đến việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Thái Lan và Ấn Độ đối mặt với tình trạng hạn hán và thiên tai khiến nguồn cung gạo toàn cầu sụt giảm. Xuất khẩu gạo của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối năm 2024.

Tin cùng chuyên mục