Phiên giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL (đợt 1) được tổ chức bằng cả 2 hình thức là trực tiếp (tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm của 15 đơn vị tỉnh, thành) và trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ Zoom Meeting vào lúc 8 giờ đến 12 giờ ngày 29-10.
Đây là hoạt động do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ khởi xướng, nhằm góp phần giải quyết bài toán việc làm hậu Covid-19. Đặc biệt là tại ĐBSCL vừa qua, mỗi địa phương đã tiếp nhận hàng chục ngàn lao động trở về quê do tác động của dịch Covid-19.
Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, ghi nhận đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã tiếp nhận gần 50.000 lao động quay trở về địa phương. Trong khi đó, qua rà soát thì nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 3.000 lao động.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung, cầu lao động. Các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ có nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, trong khi một số vùng nông thôn có lực lượng lao động lớn sẽ dư thừa nhân lực.
Trước nguy cơ trên, việc kết nối việc làm giữa các doanh nghiệp và người lao động sẽ góp phần quan trọng trong việc cân đối hài hòa giữa cung – cầu lao động trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân là lao động tại các địa phương, trong đó có người dân tại ĐBSCL trở lại làm việc. Đồng thời, TPHCM cũng đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp để lên kế hoạch về việc tổ chức tuyển dụng lao động trực tiếp tại các địa phương, cũng như có phương án đưa rước lao động trở lại làm việc.