ĐBSCL tìm lời giải bài toán nhân lực chất lượng cao - Bài 1: Công, tư đều thiếu và yếu

Hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề khối công lẫn tư ở ĐBSCL đều thiếu NLCLC, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

LTS: Nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), “cơn khát” NLCLC dai dẳng nhiều thập niên qua, trở thành lực cản sự phát triển kinh tế - xã hội và nhiều mặt đời sống. Nhiều địa phương trong vùng vẫn loay hoay với các giải pháp tháo gỡ, đánh mất nhiều cơ hội phát triển.

A5B.jpg
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao đang phát triển mạnh tại ĐBSCL, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này đang thiếu trầm trọng. Ảnh: TRÚC ANH

17 năm, tuyển được 6 phó giáo sư

Cấp xã đến cấp tỉnh đều có hệ thống y tế (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện…), nhưng tại tỉnh Cà Mau, mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân đến TPHCM khám, điều trị bệnh. Chúng tôi bắt xe khách từ Cà Mau đi TPHCM lúc 0 giờ một ngày đầu tháng 6-2024, trên xe có hơn 30 người, trong đó có nhiều trẻ em, người già. Vừa lên xe, anh Thành tài xế nhắc: rất nhiều khách trên xe đi TPHCM khám bệnh. Bà con tranh thủ đi vệ sinh, xe chạy suốt tuyến để kịp vào viện bốc số lúc sáng sớm. Lái xe khách tuyến Cà Mau - TPHCM lâu năm, anh Thành cho biết thêm, số lượng người dân Cà Mau đi TPHCM khám và điều trị bệnh ngày càng tăng, trước đây mỗi ngày chỉ vài chục người, giờ có ngày đến cả trăm người.

Giải thích lý do đi TPHCM khám bệnh, ông Nguyễn Văn Hữu (ở khóm 3, phường 4, TP Cà Mau, cùng đi trên xe khách) nói: “Tui muốn khám bệnh ở tỉnh cho tiện, đỡ đi xa vất vả, nhưng thật sự là không an tâm. Ở Cà Mau, bệnh viện huyện, tỉnh ít có bác sĩ giỏi, nhiều khi khám không ra bệnh”.

Ông Hữu kể, ông có người bạn, 5 tháng trước bị đau bụng, đến bệnh viện ở TP Cà Mau khám, bác sĩ xét nghiệm, chẩn đoán bị viêm loét dạ dày và cho thuốc uống nhưng không khỏi. 2 tháng sau, cơn đau nặng hơn, người này lên TPHCM khám thì phát hiện bị ung thư bao tử giai đoạn cuối và mới mất. Bác sĩ cho biết, nếu được phát hiện sớm hơn, ông ấy không ra đi nhanh như vậy. “Mấy ngày nay, tui bị đau bụng, già cả đi lại khó khăn nhưng cũng ráng lên TPHCM khám cho chắc ăn”, ông Hữu cho hay.

Ông Trần Quang Khóa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết, thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp, nhưng hoạt động khám, chữa bệnh của hệ thống y tế địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nguyên nhân chủ yếu do thiếu đội ngũ y bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao.

“Thiếu nhiều nhất là ở các khoa chuyên sâu, như hồi sức cấp cứu, chấn thương chỉnh hình, nhi sơ sinh. Trong 3 năm qua, các bệnh viện công và tư đều tuyển dụng, nhưng số lượng bác sĩ tuyển được chỉ đếm được trên đầu ngón tay”, ông Khóa nhấn mạnh.

Không riêng y tế, tại Bạc Liêu, ở khối nhà nước, hầu hết các lĩnh vực đều thiếu NLCLC. Ông Từ Minh Phúc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, cho hay, xác định NLCLC là “chìa khóa” của sự phát triển, từ khi thành lập tỉnh (năm 1997) đến nay, địa phương vừa đào đạo, bồi dưỡng cán bộ đương nhiệm vừa mạnh dạn triển khai chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác.

Năm 2023, Bạc Liêu còn ban hành chính sách hỗ trợ một lần 500 triệu đồng đối với giáo sư, 400 triệu đồng với phó giáo sư, tiến sĩ 300 triệu đồng, thạc sĩ 100 triệu đồng khi về làm việc tại địa phương. Thế nhưng, NLCLC ở Bạc Liêu vẫn thiếu trầm trọng, nhiều nhất là ở lĩnh vực công nghệ thông tin, môi trường, xây dựng, y tế. Thống kê cho thấy, trên 10.000 cán bộ của tỉnh có trình độ đại học trở lên chỉ có 27 tiến sĩ, 750 thạc sĩ và 40 bác sĩ chuyên khoa II. Số cán bộ này hầu hết làm việc tại cấp tỉnh; rất ít ở cấp huyện và xã. Vốn đã thiếu, những năm gần đây, NLCLC ở Bạc Liêu còn “rơi rụng” dần. Riêng lĩnh vực y tế, 3 năm qua đã có hơn 100 cán bộ, nhân viên bỏ việc.

Ở Trà Vinh, năm 2007, tỉnh này không có nhân lực học hàm phó giáo sư. Sau 17 năm tuyển dụng, đến nay Trà Vinh chỉ tuyển được 6 phó giáo sư. Tương tự, ở lĩnh vực y tế, sau 17 năm tuyển dụng, đến nay toàn tỉnh chỉ có 57 bác sĩ chuyên khoa II, phải phục vụ hơn 1 triệu dân trên địa bàn, chưa kể người dân vùng lân cận. Đáng chú ý, nhiều giáo viên có trình độ đại học, thạc sĩ sau nhiều năm làm việc đã bỏ việc do mức lương thấp (4-5 triệu đồng/tháng).

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở ĐBSCL chỉ chiếm 15%, thấp nhất cả nước và thấp hơn 12% so với mức chung của cả nước. Nếu so sánh với các vùng kinh tế trọng điểm khác như Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ, tỷ lệ này có sự chênh lệch lớn: Đồng bằng sông Hồng là 37,1%, Bắc Trung bộ là 26,7%, Đông Nam bộ là 28,2%.

Lực cản phát triển

Có nhiều lợi thế hơn các địa phương khác trong vùng ĐBSCL (giáp ranh TPHCM, hạ tầng được đầu tư bài bản, số lượng khu công nghiệp nhiều nhất vùng), song những năm qua, Long An vẫn chưa thu hút được nhiều NLCLC. Điển hình, đội ngũ lao động thuộc nhóm quản lý lãnh đạo doanh nghiệp chỉ chiếm 0,5% và lao động chuyên môn cao chỉ đạt 3,17% trên tổng số lao động của tỉnh.

Đại diện Sở LĐTB-XH tỉnh Long An cho hay, tỉnh có nguồn lao động lớn, nhưng hầu hết là lao động phổ thông. Còn nhân lực có kinh nghiệm quản lý, nắm kỹ thuật công nghệ then chốt ít, chiếm chưa đến 50% tổng số. Đây là hạn chế lớn, trở thành lực cản, làm chậm quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

“Không ít doanh nghiệp FDI khi đầu tư ở Long An, hoạt động một thời gian, không tuyển được nhân sự theo yêu cầu (giỏi ngoại ngữ, có năng lực kết nối đầu tư, thương mại nước ngoài, có khả năng quản trị nhân sự…) đã phải chuyển sang Củ Chi (TPHCM), Bình Dương, Đồng Nai hoạt động”, đại diện Sở LĐTB-XH tỉnh Long An chia sẻ.

Đại diện Công ty TNHH SXTM Phước Thành IV (Vĩnh Long) cho biết, thế mạnh của ĐBSCL là nông nghiệp và xu hướng là phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ. Để tạo ra hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp đáp ứng xu thế đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao, nắm bắt kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận được công nghệ AI.

Nhiều năm qua, công ty luôn tuyển dụng nhưng đến nay nhân lực đáp ứng theo yêu cầu công việc vẫn chưa đủ. Phần lớn nhân lực tuyển được đều ở các vùng khác, ở ĐBSCL rất ít. Tình trạng này khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy hải sản tại ĐBSCL.

Ít chịu tác động bởi xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, thời gian qua, Hậu Giang tập trung phát triển nông nghiệp, có nhiều chính sách thu hút NLCLC ở ngành này. Dù vậy, tỷ lệ lao động có trình độ, chuyên môn cao vẫn rất thấp (trình độ trên đại học chỉ chiếm 11% và không có công chức, viên chức có trình độ tiến sĩ).

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long cho biết, rất nhiều công chức, viên chức ở địa phương hiện không đáp ứng được yêu cầu thực thi công vụ do kiến thức, trình độ chuyên môn hạn chế. Đáng lo, đội ngũ công chức, viên chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến nông sản gần như đếm trên đầu ngón tay, làm “bó hẹp” đầu ra, giảm giá trị của sản phẩm nông nghiệp, chậm quá trình phát triển ngành nông nghiệp.

Tương tự, tại TP Cần Thơ, nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp cũng không khá hơn. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thông tin, thành phố đang thiếu nhân lực có năng lực về kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, luật, đầu tư công và có khả năng giao tiếp với người nước ngoài. Thực tế này làm quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế… của ngành nông nghiệp địa phương diễn ra ì ạch.

Khi hạ tầng giao thông ở ĐBSCL dần được khép kín, nhiều cảng biển được đầu tư và đi vào hoạt động, logistics trở thành ngành mũi nhọn, được kỳ vọng góp phần quan trọng giúp vùng đất này bứt phá. Thế nhưng, theo ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), để đạt mục tiêu phát triển như kỳ vọng vẫn còn xa, vì nguồn nhân lực ngành logistics trong vùng đang thiếu và yếu.

“Không chỉ sinh viên mới ra trường, nhiều người có thâm niên làm việc chục năm vẫn không có tư duy, tầm nhìn và chiến lược, tác nghiệp còn rời rạc, không kết nối được chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào đến phân phối đầu ra… Do đó, khi tuyển họ vào, doanh nghiệp phải đào tạo lại, vừa mất thời gian lại tốn chi phí. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp logistics ở ĐBSCL hình thành ít, chiếm chưa tới 5% doanh nghiệp logistics cả nước”, ông Võ Thanh Phong chia sẻ.

TP Cần Thơ là một trong hai địa phương có cụm cảng lớn nhất ĐBSCL, tuy nhiên địa phương này chưa thể hiện được vai trò trung tâm, đầu mối logistics, tạo sức lan tỏa, kết nối giữa các địa phương do nguồn nhân lực của ngành rất yếu. Mỗi năm, có gần 20 triệu tấn hàng hóa tại các địa phương ĐBSCL được đưa về Đông Nam bộ để xuất khẩu, chế biến, không lựa chọn qua cụm cảng ở TP Cần Thơ.

Tin cùng chuyên mục