Không chỉ trúng đậm nhờ năng suất lúa tăng, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra mà trên diện tích lúa thu hoạch, nông dân cũng thu hoạch luôn rơm để tái sản xuất (thay vì đốt rơm như lâu nay).
Đây được xem là cách thiết thực để góp phần giảm phát thải, tái sử dụng rơm cho nhiều lợi ích khác mà Đề án nhắm tới. Trong đó mục tiêu là 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và chế biến, tái sử dụng.
Tuy nhiên, việc thu hoạch rơm trên đồng lúa là một thách thức lớn đối với nông dân vùng ĐBSCL. Chẳng hạn, ngay tại thời điểm thu hoạch lúa của HTX Tiến Thuận, 2 chiếc máy bánh xích cuộn rơm được điều động là mượn của Công ty TNHH MTV Tư Sang (Tiền Giang). Qua đó cho thấy, việc dùng máy cuộn rơm trên đồng hiện nay là chưa phổ biến. Trong khi lượng rơm của ĐBSCL là rất lớn. Sản lượng lúa của toàn vùng ĐBSCL dao động từ 24-25 triệu tấn/năm thì sản lượng rơm của vùng cũng ở mức tương đương.
Theo TS Nguyễn Cao Quan Bình (Viện Lúa ĐBSCL), vùng ĐBSCL mỗi năm tạo ra khoảng 24 triệu tấn rơm rạ nhưng chỉ có 30% số rơm rạ được thu gom (hơn 7 triệu tấn), 70% số lượng rơm rạ còn lại được đốt hoặc vùi vào đồng ruộng. Chính việc này đã gây lãng phí nguồn phế phẩm từ lúa gạo và gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.
Nhìn nhận giải pháp sử dụng rơm hiện nay chưa hiệu quả, còn phổ biến là đốt, vùi lấp, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho rằng, cần có thêm nghiên cứu những công dụng của rơm, nhất là nghiên cứu sâu. Thực tế, phần lớn rơm chỉ mới cung cấp cho người dân và doanh nghiệp để làm nấm rơm; ủ làm phân hữu cơ… Theo TS Nguyễn Cao Quan Bình (Viện Lúa ĐBSCL), thời gian qua, Chi cục Trồng Trọt và bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã thử nghiệm sử dụng phân hữu cơ ủ từ rơm rạ thay thế sử dụng phân hóa học trên đồng ruộng. Kết quả đã giúp giảm đến 40% phân đạm hóa học, giảm các loại bệnh và giảm công lao động chăm sóc, lợi nhuận tăng thêm 3.492.000 đồng/ ha. Đây là kết quả đáng ghi nhận để mở ra hướng phát triển kinh tế tuần hoàn tại ĐBSCL.
Trong khi đó, để tận dụng nguồn rơm hiệu quả, theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cần có chính sách hỗ trợ, phát triển nhóm nông dân, HTX đủ mạnh để đầu tư máy cuộn rơm, thu gom rơm trên đồng ruộng. Điều này cần làm tương tự như trước đây đã hỗ trợ nông dân và HTX mua máy gặt đập liên hợp thông qua hỗ trợ lãi suất vay từ ngân hàng để đầu tư mua sắm máy. Đây được xem là điều kiện đủ để sớm thực hiện hiệu quả Đề án.