Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, giá lúa OM 18 hiện đang ở mức 7.000đồng/kg, tăng hơn 1.000-1.200 đồng/kg so với mùa vụ trước. Theo ông Hùng, nhờ sản xuất theo hướng an toàn nên HTX đã kết nối tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm lúa của xã viên.
Với tổng diện tích 960ha của HTX, mùa vụ này thu hoạch 624 tấn lúa đã được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên kết bao tiêu đầu ra. Thực hiện mô hình liên kết này, công ty cung cấp giống giá thị trường với nguồn gốc rõ ràng, không tính lãi, đến cuối vụ thanh toán. Hiện lúa đông xuân sớm ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ được thương lái thu mua khá tấp nập ngay khi nông đân vừa thu hoạch.
Theo đó, OM 18 được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.900 đồng/kg; OM 5451 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 7.000 - 7.300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 7.200 đồng/kg; nếp khô An Giang giá dao động 8.400 - 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 7.900 đồng/kg…
Theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT, các địa phương ĐBSCL chỉ bố trí sản xuất lúa đông xuân 2022-2023 ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa; tận dụng tốt lịch xuống giống để né hạn, mặn cuối vụ. Vụ đông xuân năm nay, ĐBSCL xuống giống 1,5 triệu hécta lúa, sản lượng ước đạt khoảng 10,7 triệu tấn. Hiện các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chiếm khoảng 80% diện tích sản xuất tại ĐBSCL.
Điều đáng mừng là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã liên kết chặt với nông dân, gắn với đầu tư đầu vào và bao tiêu đầu ra. Một số doanh nghiệp có chính sách mua lúa với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg nên cũng tác động tích cực đến nông dân.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng thêm khoảng 10 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm đang ở mức khoảng 470 USD/tấn, tăng 10-12 USD so với đầu tháng 12-2022. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã ký được hợp đồng xuất khẩu 450.000 tấn gạo sang EU, Malaysia, Singapore. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội bứt phá khi nhiều thị trường nhập khẩu gạo lớn như EU, Trung Đông, Trung Quốc, Philippines… mở cửa.
Ngày 2-2, ghi nhận tại một số vựa trái cây ở ĐBSCL cho thấy sầu riêng, mít, thanh long, khóm... có giá bán khá cao, nhà vườn phấn khởi. Ông Trần Vĩnh Thành (thương lái, ngụ thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, sầu riêng khá hút hàng tại thị trường Trung Quốc, song mới vào đầu vụ nghịch nên sản lượng còn thấp, giá tăng cao. Hiện sầu riêng Dona (Monthong), giá tại vườn từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, còn tại vựa lên đến 190.000 đồng/kg; sầu riêng Ri 6 có giá tại vườn khoảng 120.000 đồng/kg.
Hiện, Tiền Giang có diện tích cây ăn trái trên 82.000ha, tập trung tại các huyện Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy với các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, khóm (dứa), thanh long, mít. Trong đó, sầu riêng có diện tích khoảng 17.600ha, cây đang trong thời kỳ cho trái gần 12.000ha.
Những năm qua, Tiền Giang đã xử lý nghịch vụ, rải vụ trên cây sầu riêng đạt 70%. Ngoài sầu riêng, các loại mít, khóm (dứa), thanh long cũng bán được giá. Tại vựa thu mua trái cây Tống Chảnh (xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), giá mít Thái loại 1 là 35.000 đồng/kg, loại 2 là 29.000 đồng/kg, loại 3 là 25.000 đồng/kg. Hiện do sản lượng mít còn thấp, nên giá mít tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán; dự kiến sẽ tăng thêm trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, giá thanh long ruột đỏ vẫn giữ mức 35.000 đồng/kg…
Còn tại Hậu Giang, trái khóm (dứa) đang có giá 7.000 đồng/kg. Ông Bùi Hữu Thiện, nông dân trồng khóm ở Hậu Giang, cho biết, sau tết, giá khóm tăng hơn mọi năm, nông dân có lãi.
Theo đánh giá của các vựa trái cây xuất khẩu, dịp Tết Nguyên đán 2023, các loại trái cây chủ lực đều có giá tốt, nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, người dân trồng rải vụ, sản lượng ít bị ùn ứ nên bán có giá, lãi cao sau khi trừ mọi chi phí.