Nhộn nhịp hoa kiểng
Vào thời điểm này, người dân Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đang “chạy đua” với thời gian nhằm đảm bảo có được những sản phẩm hoa, kiểng đẹp nhất phục vụ nhu cầu thị trường tết. Hiện bà con tăng cường chăm sóc khoảng 55ha hoa các loại, chủ yếu là cúc mâm xôi. Đây được coi là loại hoa “đặc sản” của Sa Đéc.
Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím, chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 đã ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, hội quán đã chủ động tăng số lượng lên 60.000 chậu cúc mâm xôi, gấp 3 lần so với thời điểm năm ngoái”. Theo ông Tiếp, đến thời điểm này, việc ngắt cơi lần 3 cho cúc mâm xôi đã kết thúc vào rằm tháng 9 âm lịch, giờ chỉ chăm bón chờ đến cuối tháng 10 âm lịch vô nụ hết là hoa nở đúng vào dịp tết.
Gần đó, ông Trần Văn Hậu đang tất bật xuống giống các loại hoa cúc ngắn ngày như cúc Tiger, cúc Đài Loan, cúc đồng tiền, cúc kim cương, cúc Pico…
Ông Hậu cho biết, hầu như các loại hoa cúc ngắn ngày đã xuống giống hết, giờ chỉ còn một vụ hoa cuối cùng loại 65 ngày là vạn thọ, sao nhái, mào gà, xác pháo, păng xê sẽ xuống giống vào đầu tháng 11 âm lịch. Ngoài ra, bà con làng hoa cũng đầu tư nhiều giống hoa mới, màu lạ như: táo Trung Quốc, hoa giấy ngũ sắc với các màu mới như xác pháo, hồng quần, huyết dụ, tím tuyết… phục vụ thị trường tết năm nay.
Tại làng hoa kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), không khí chăm sóc cây kiểng cũng khá nhộn nhịp. Theo ông Lê Văn Tý, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mai Vàng Phước Định (ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), khoảng thời gian này, không khí tại làng mai tất bật hẳn. Hơn 1 tháng nay, 400 chậu mai vàng được bứng cẩn thận cho vào chậu lớn, nhỏ, chăm sóc, cắt tỉa chuẩn bị chào hàng tại các chợ ở Vĩnh Long, Cần Thơ, TPHCM…
Anh Huỳnh Thanh Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), một nhà vườn chuyên sản xuất trái cây tạo hình, cho biết, năm nay, gia đình anh đang tất bật chuẩn bị cho ra thị trường Tết Quý Mão 2023 các sản phẩm: dừa in chữ tài lộc, dưa hấu thỏi vàng, bưởi vuông in tài lộc, bưởi thỏi vàng… Hiện nay, dù đang ở giai đoạn chuẩn bị, nhưng trái cây tạo hình đã nhận được sự quan tâm từ khách hàng nhiều nơi, một số đối tác đã đề nghị ký kết, đặt hàng.
Tất bật làng nghề
Hiện nay, nhiều làng nghề đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tăng cường sản xuất, phục vụ thị trường tết. Các làng nghề làm khô ven biển như Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Rạch Gốc và Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển)… khá nhộn nhịp, nhất là các cơ sở chế biến cá khô, tôm khô, bánh phồng tôm.
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), dự báo, tình hình kinh doanh năm nay có nhiều tín hiệu khả quan. Hàng tháng, HTX bán ra thị trường và cung cấp cho các đơn vị đầu mối khoảng 4 tấn khô, dự báo tháng tới sẽ tăng dần và cao điểm là vào dịp cuối năm.
“Thời điểm này, chúng tôi bắt đầu tăng sản lượng, nâng cao công suất để phục vụ thị trường tết, các mối cũng đã điện thoại đặt hàng tết”, ông Chương cho biết. Cũng theo ông Chương, năm nay phần nguyên liệu tôm (loại tôm đất) gặp nhiều khó khăn, do trong vùng, các vuông tôm xổ thất bát. Vì vậy, để nâng cao công suất chế biến, HTX phải mở rộng địa bàn thu mua nên mất nhiều thời gian và gia tăng chi phí.
Tại Kiên Giang, nơi chuyên cung cấp sản vật từ vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng như lá chuối, củ gừng, củ riềng, hành tím và các loại thủy sản như tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua…, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết cũng diễn ra từ khá sớm. Các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Kiên Giang như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Hòn Sơn cũng hối hả vào mùa cao điểm.
Ông Phạm Tấn Tài, chủ nhà thùng nước mắm Đại Đức (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), chia sẻ, tết năm nay dự kiến sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 200.000 lít nước mắm, tăng khoảng 40.000 lít so với Tết 2022. Toàn bộ sản phẩm bán ra đều đóng chai thành phẩm trên đảo theo quy định dán nhãn chỉ dẫn địa lý.
Theo ngành công thương các tỉnh ở ĐBSCL, không còn ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thị trường tết hứa hẹn sẽ bội thu với sức mua dự báo tăng tới 30% so với cùng kỳ. |