ĐBSCL: Tất bật chăm sóc hoa kiểng cung ứng thị trường dịp tết

Còn gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2025, nhưng thời điểm hiện tại, nhiều hộ nông dân tại các làng hoa, “thủ phủ hoa kiểng” như Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre), Mỹ Phong (Tiền Giang)... đã tất bật chăm sóc hoa kiểng. Vụ hoa Tết 2025, các nhà vườn nghiên cứu trồng các giống hoa mới đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.

Anh Đặng Hòa Bình, nông dân trồng hoa tại phường An Hòa (Sa Đéc), cho biết, năm nay anh xuống giống khoảng 1.500 chậu cúc mâm xôi Hàn Quốc với 3 màu chủ đạo là đỏ, hồng, vàng. Những chậu cúc xuống giống được 2 tháng, chủ vườn bắt đầu ngắt đọt để cây ra hoa. “Vài năm gần đây, các loại hoa truyền thống như hoa hồng, cát tường, dạ yến thảo tiêu thụ rất chậm, nhà vườn ít mặn mà. Nhằm phục vụ thị hiếu khách hàng, năm nay tui trồng cúc Pico, cúc Hàn Quốc”, anh Bình chia sẻ. Hiện vườn cúc Hàn Quốc của anh Bình đã được thương lái chốt số lượng, đảm bảo đầu ra trong dịp Tết Nguyên đán 2025...

Anh Đặng Hòa Bình, nông dân trồng hoa tại phường An Hòa, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) chăm sóc vườn hoa cúc Hàn Quốc. Ảnh: THÀNH NHƠN

Anh Đặng Hòa Bình, nông dân trồng hoa tại phường An Hòa, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) chăm sóc vườn hoa cúc Hàn Quốc. Ảnh: THÀNH NHƠN

Ông Đỗ Nguyễn Quang Duy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường An Hòa, đơn vị quản lý Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng hoa kiểng khóm Tân An, cho biết, sau thành công của vụ sản xuất hoa kiểng phục vụ Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc 2023, năm nay tổ hợp tác vẫn ưu tiên trồng các loại hoa độc lạ với màu sắc bắt mắt phục vụ khách hàng. “Tổng lượng hoa kiểng của tổ năm nay khoảng 100.000 giỏ các loại, trong đó cúc mâm xôi màu Hàn Quốc khoảng 15.000 giỏ. Hiện đã xuống giống từ 50-60 ngày và đang phát triển tốt. Ngoài cúc mâm xôi nhiều màu, các tổ viên cũng trồng thêm các loại cúc truyền thống như cúc mâm xôi vàng, cúc đồng tiền, cúc Pico, cúc Tiger với số lượng từ 1.000-5.000 giỏ”, ông Duy cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc (Đồng Tháp), diện tích hoa kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025 khoảng 100ha với nhiều chủng loại khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, nông dân làng hoa Sa Đéc đã xuống giống khoảng 60ha, chủ yếu là các loại cúc mâm xôi. “Năm nay, nông dân TP Sa Đéc giảm số lượng cúc truyền thống, tăng số lượng cúc Hàn Quốc nhiều màu và các loại hoa khác đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, được thị trường ưa chuộng”, bà Ngọc thông tin.

Để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong (tỉnh Tiền Giang) đã xuống giống hơn 700.000 giỏ hoa các loại: sống đời, cúc mâm xôi, ớt kiểng, dừa cạn, dạ yến thảo... Hiện nay, các nhà vườn đang tiến hành cắt cành, loại bỏ những nụ hoa thừa và tập trung dinh dưỡng để nụ hoa đạt chất lượng, nở đúng dịp tết...

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nông dân các làng hoa cảnh nổi tiếng trong tỉnh như Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, phường 9 (TP Mỹ Tho), Thạnh Mỹ (Tân Phước), Mỹ Lương và Hậu Thành (Cái Bè), Cai Lậy… trồng và cung ứng khoảng 1,5 triệu chậu hoa cảnh các loại, chủ yếu là hoa cúc, cát tường, vạn thọ, mào gà, dứa phụng, dứa son, mai vàng và các loại cây cảnh độc đáo khác... Tương tự, tại Vĩnh Long, hơn 100 hội viên của Hợp tác xã Làng nghề mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cũng bắt đầu vô chậu đối với mai đất, lắp lưới điều chỉnh ánh sáng thích hợp trong vườn mai, tỉ mỉ tạo dáng để bán được giá cao. Hiện, làng nghề có 2,5ha với khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bonsai và 2.500 gốc kiểng khác.

Theo ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL, năm nay thời tiết không thuận lợi do có mưa bão, dông lốc và nắng nóng bất thường. Vì vậy, người trồng hoa kiểng cần nắm bắt kịp thời những dự báo từ ngành chức năng về diễn biến của thời tiết để thích ứng sản xuất hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục