Theo đó, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, phân luồng khám, cách ly điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phòng chống lây nhiễm chéo; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh theo quy định; đảm bảo đủ cơ số thuốc điều trị bệnh sởi và các biến chứng bội nhiễm sởi; liên hệ với CDC cấp Vitamin A liều cao hỗ trợ điều trị bệnh sởi.
Ngoài ra, các đơn vị phải tăng cường công tác truyền thông về bệnh sởi lồng ghép với các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các khoa nội trú; khẩn trương rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm sởi để chuẩn bị thực hiện chiến dịch tiêm ngừa sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế; tiếp tục tiêm chủng vaccine sởi cho các đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét chưa được tiêm.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm và kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh sởi, đặc biệt tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi để người dân nhận thức và đưa trẻ đi tiêm ngừa đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
CDC tỉnh Long An xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi năm 2024, dự trù và cung cấp vắc xin, tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định. Theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch sởi trên địa bàn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện biện pháp xử lý triệt để ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bệnh sởi.
* Tại Bến Tre, bệnh sởi diễn biến ngày càng phức tạp và có số ca mắc tăng, Sở Y tế tỉnh Bến Tre cũng vừa xây dựng kế hoạch “Phòng chống và đáp ứng bệnh sởi tỉnh Bến Tre năm 2024”. Đồng thời tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi, sởi Rubella cho trẻ từ 1 – 3 tuổi.
Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến 25-8, toàn tỉnh có 90 ca sốt phát ban nghi sởi trong đó có 53 ca dương tính với virus sởi. Tại Bến Tre hiện đang có đủ vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng.
* Tại Đồng Tháp, từ đầu tháng 6 đến nay, trẻ mắc bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng, tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có ca mắc sởi. Theo của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, từ tháng 6 đến ngày 13-7, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 36 trẻ mắc sởi. Trong đó, có nhiều bệnh nhi chưa được tiêm phòng vaccine sởi.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Tùng, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp, cho biết, hiện nay, đã có vaccine phòng ngừa sởi, do đó, khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đến những cơ sở tiêm ngừa. Đối với những trẻ có bệnh mãn tính hoặc cơ địa suy giảm miễn dịch thì phải tiêm nhắc sởi thêm để củng cố, tăng cường miễn dịch phòng ngừa bệnh sởi.
* Tại Cà Mau, đến nay, tỉnh Cà Mau ghi nhận khoảng 130 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sởi được phát hiện, điều trị tại địa phương và ngoại tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Trần Quang Khóa cho biết, để chủ động phòng, chống dịch sởi xảy ra trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có công văn gửi đến Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TPHCM đề xuất đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi cho trẻ em từ 1-10 tuổi chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi cho các địa phương theo đánh giá từ bộ công cụ của WHO và nhóm nhân viên y tế có nguy cơ cao.
Hiện nay, thời tiết đang vào giai đoạn cao điểm mùa mưa, nhằm phòng chống tốt nhất các loại dịch bệnh trên người lớn và trẻ nhỏ, Sở Y tế tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: bạch hầu, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…) Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.