Tại dự án xây dựng tuyến đường trục Đông - Tây, đoạn từ cầu Mương Điều (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) hướng về cầu Bảy Háp, đơn vị thi công đã làm xong lớp đá cấp phối thứ nhất và đang tổ chức lu lèn nền đường cho đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Ông Trần Văn Trung (nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Hiệp Thành, đơn vị thi công), cho biết: “Hiện đơn vị đang tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, nhiều lúc tăng ca làm cả ban đêm. Đến nay, gói thầu mà công ty tham gia thi công đảm bảo tiến độ đề ra”...
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Đông - Tây, cầu sông Ông Đốc và cầu Gành Hào là công trình trọng điểm của tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư trên 2.149 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau (chủ đầu tư), tuyến đường trục Đông - Tây hiện đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng, dự kiến đến quý 2-2023 sẽ hoàn thành phần đường.
Tuyến trục Đông - Tây, đoạn từ cầu Mương Điều về cầu Bảy Háp thi công cả ngày lẫn đêm vào mùa khô. Ảnh: TẤN THÁI |
Cầu sông Ông Đốc khối lượng thực hiện khoảng 60%, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024, còn cầu Gành Hào đang mời thầu các gói thầu xây lắp, dự kiến triển khai thi công trong quý 1-2023.
Tuy nhiên, bên cạnh các công trình được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cũng có công trình triển khai rất chậm. Điển hình là Dự án Đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường), có tổng mức đầu tư hơn 1.727 tỷ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hungary và nguồn vốn đối ứng của địa phương, Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự án triển khai vào tháng 10-2017, đến nay vẫn còn ngổn ngang.
Còn tại Bạc Liêu, UBND tỉnh phải liên tục yêu cầu các chủ đầu tư đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm chưa đảm bảo kế hoạch như: Dự án tuyến đường ĐT 980 Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Phó Sinh - Cạnh Đền; Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa (huyện Hồng Dân); Dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) đến Ba Đình (huyện Hồng Dân)…
Trong năm 2022, nhiều địa phương tại ĐBSCL không “tiêu” hết vốn đầu tư công đã bố trí. Vì vậy, phải chuyển nguồn vốn sang năm 2023. Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng chỉ giải ngân đạt gần 85% kế hoạch vốn Trung ương giao, nguồn vốn cấp tỉnh giải ngân đạt gần 80% kế hoạch. Trong khi đó, năm 2023, Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là trên 5.850 tỷ đồng. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu được giao, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các đơn vị, sở ngành phải xem việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải xây dựng tiến độ, phân công nhiệm vụ thực hiện từng dự án cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát hiện trường; tiếp tục duy trì tổ công tác các cấp, khẩn trương giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng; tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thực hiện các dự án…
“Công tác giải ngân vốn đầu tư công là trách nhiệm với xã hội, với người dân. Do đó, người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm tiến độ triển khai các dự án”, ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.
Còn với TP Cần Thơ, trong năm 2023, cần giải ngân tổng vốn đầu tư công trên 5.679 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn này, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Ngay từ đầu năm, thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư phải quyết liệt thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện dự án. Đặc biệt, phải xác định khối lượng thanh toán và giải ngân cụ thể ngay từ đầu năm. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân công tập trung tổ chức triển khai thực hiện, cam kết tiến độ hàng tháng, quý; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng, xử phạt và cắt hợp đồng theo quy định. Đối với các dự án khởi công mới, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện ngay các thủ tục cần thiết để tổ chức đấu thầu, khởi công trong quý 1 năm 2023. Mặt khác, thường xuyên giám sát tiến độ, chủ động đề xuất bổ sung kế hoạch vốn khi cần thiết, cũng như điều chuyển vốn kịp thời”.