Tại Cần Thơ, 50 đội y tế lưu động, với mỗi đội gồm 4 thành viên (1 đội trưởng và 3 thành viên) là bác sĩ, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ.
Đội y tế lưu động có nhiệm vụ giám sát, theo dõi F1 cách ly và F0 điều trị y tế tại nhà; hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F1, F0.
Đồng thời, đội có nhiệm vụ phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, chuyển tuyến người bệnh đến cơ sở y tế điều trị phù hợp; vận động tuyên truyền hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi các quy định trong việc việc cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà…
Các đội y tế lưu động sẽ chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của trung tâm y tế các quận, huyện và được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ.
Trước đó, nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế địa phương, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quy chế phối hợp hoạt động trong công tác quản lý cách ly y tế F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Cùng ngày, ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã bắt đầu triển khai tiêm mũi 1 cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi (tổng số trẻ trong nhóm trẻ này là gần 113.000 em).
Ngày 22-11, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, vừa quyết định thành lập 8 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không có triệu chứng gồm 6 cơ sở tại huyện Trà Cú, 1 cơ sở tại huyện Cầu Ngang, 1 tại huyện Châu Thành.
Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở tỉnh Trà Vinh tăng mạnh. Tính từ ngày 16 đến ngày 21-11, số ca mắc Covid-19 bình quân khoảng 207 ca/ngày, tăng 84 ca/ngày so với mức bình quân của tuần trước đó. Số ca phát hiện ở cộng đồng trong tuần chiếm đến trên 72% tổng số ca mắc. Trước đó, 7 bệnh viện dã chiến và 3 khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh, có tổng quy mô 1.320 giường bệnh đã quá tải. Để giảm tải cho các khu điều trị tập trung, UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa chỉ đạo Sở Y tế nhanh chóng triển khai thí điểm việc điều trị các ca F0 không triệu chứng tại nhà.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan triển khai thí điểm thực hiện điều trị tại nhà đối với các trường hợp mắc Covid-19 có tải lượng virus thấp. Trước hết điều trị tại nhà cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hoặc một số người dân có điều kiện, chú ý trước cửa nhà phải có bảng thông báo để người dân biết. UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc cấp thuốc, điều trị Covid-19 để trạm y tế các xã, phường, thị trấn cấp cho bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà. Bên cạnh đó, phân loại nguy cơ từng trường hợp F1 để xem xét cách ly tại nhà, nhưng phải đảm bảo đúng các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Ngày 22-11, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, gần đây số ca mắc mới có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khoảng 250 ca/ngày. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan, theo dõi chăm sóc y tế đối với các trường hợp cách ly điều trị F1, F0 không triệu chứng tại nhà, nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo, đồng thời giảm áp lực cho hệ thống y tế tuyến trên để tập trung điều trị các bệnh nhân Covid-19 trở nặng.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho hay, đang phối hợp, thành lập các tổ quản lý cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng (dán trước nhà có đối tượng F1, F0) và bố trí người trực 24/24 để kịp thời tư vấn, theo dõi sức khỏe cho người bệnh khi có biểu hiện trở nặng.