Dưới sông trơ đáy, trên bờ tan hoang
Năm 2016 được xem là trận hạn, mặn lịch sử trăm năm mới có một lần diễn ra tại ĐBSCL, nhưng năm 2020, các số liệu đến thời điểm này cho thấy, hạn, mặn đã vượt mốc 2016.
Về vùng bán đảo Cà Mau, Minh Hà là một trong những tuyến kênh trục chính, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Vào mùa mưa, độ sâu con kênh này khoảng 4m nên lượng nước trữ khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay tuyến kênh này đã khô cạn.
Ông Trịnh Văn Liêm (nhà gần kênh xáng Minh Hà) than: “Hiện lúa đông xuân đã thu hoạch, nhu cầu nước tưới tiêu hoa màu của dân trong vùng rất lớn nhưng dòng kênh thì trơ đáy. Nước sinh hoạt thì luôn trong tình trạng căng thẳng”.
Ghi nhận thực tế tại vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau, nhiều kênh mương nội đồng không còn một giọt nước. Hệ thống giao thông thủy trong vùng tê liệt. Việc này khiến cho lúa, nông sản của người dân trong vùng khó bán vì phí vận chuyển đội lên.
Ông Năm Đời (Nguyễn Trường Đời) thành viên hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, hàng năm HTX ký liên kết với các công ty, đưa hàng hóa của bà con nông dân sản xuất ra đến bãi tập kết với giá 250 đồng/kg lúa. Nhưng năm nay, tình hình hạn hán dẫn đến thiếu nước nên phải vận chuyển bằng phương tiện nhỏ, bằng xe máy, vì vậy chi phí đội lên: 1kg lúa giá 450 đồng, có chỗ lên đến 500 đồng/kg. Một số nơi bị sạt lở không vận chuyển được, lúa không bán được.
Khâu sản xuất cũng bị thiệt hại. “Sản xuất nông nghiệp thiếu nước thì ảnh hưởng đến năng suất. Khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, gạo phải đảm bảo chất lượng. Do thiếu nước dẫn đến hạt không no tròn, chà gạo bị bể. Vì vậy, các công ty lương thực mua giá thấp. Năm nay, bà con nông dân mất từ 300 - 350 đồng/kg lúa”, ông Năm Đời nói.
Ở giữa vùng sông nước còn bi kịch hơn. Thời điểm hiện tại, độ mặn 1‰ đã bao phủ toàn tỉnh Bến Tre, nước máy sinh hoạt lúc nào cũng ở mức 2‰-3‰.
Huyện Chợ Lách là địa phương trước nay không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn hoặc ảnh hưởng rất ít thì nay cũng đang gồng mình chống mặn, người dân cũng đang vất vả đi đổi nước ngọt để sử dụng. Mỗi khối nước có giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng. Cảnh thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt cũng diễn ra khắp nơi ở Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long…
Tiến thoái lưỡng nan
Tính đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL có khoảng 29.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn, mặn. Đi vào những cánh đồng lúa khô hạn, nước mặn xâm nhập mới thấy hết những rủi ro mà nông dân đã đánh đổi theo tư duy “thói quen”.
Còn ngành nông nghiệp địa phương thì gọi nôm na là “vùng xé rào làm lúa” bất chấp cảnh báo trước đó. Nhìn về cánh đồng lúa khô cằn, nứt nẻ không một giọt nước, ông Nguyễn Văn Hùng, một lão nông kỳ cựu 66 tuổi (ngụ ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), thở dài ngao ngán: “Không biết làm gì để sống nữa chú ơi. Trước đây sản xuất 2 vụ/năm, mưa thuận gió hòa, mỗi vụ lãi tầm 2 - 3 triệu đồng/công (một công tương đương 1.300m2). Một công đất lúa chỉ cho thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/năm thì làm sao sống nỗi. Những năm trở lại đây, tôi và nhiều hộ khác bắt đầu làm lúa vụ 3. Nhưng năm nay nước mặn tràn về và kéo dài chưa từng thấy, cây lúa chết dần vì thiếu nước ngọt, nông dân chúng tôi trắng tay”.
Câu “không biết làm gì để sống” không chỉ ám ảnh lão nông Nguyễn Văn Hùng mà là sự trăn trở của nhiều nông dân tại ĐBSCL trước thách thức từ hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, khốc liệt. Gia đình ông Sơn Đinh (ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) xuống giống khoảng 30 công lúa vụ 3 (trong đó có 10 công là đất thuê) đang phải lo lắng, xoay xở với số tiền hơn 30 triệu đồng vốn liếng bỏ vào “canh bạc lúa vụ 3”, đã gần như mất trắng.
Nói về “canh bạc” này, ông Sơn Đinh cho biết, trước đó chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo không xuống giống vụ 3 vì lo ngại mặn xâm nhập. Thế nhưng, trước giờ vùng này chuyên canh cây lúa, nếu không trồng lúa thì trồng gì? Bỏ đất trống, chỉ làm 2 vụ trong năm thì lấy gì mà sống?
Ông Lê Công Minh (xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) không nén được chua xót khi bị mất trắng gần 40 công lúa.
“Từ tháng 1, nước mặn đã xâm nhập, ngành chức năng đóng cống không cho nước vào kênh nội đồng nên lúa chết khô, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Giờ phải lo chạy tiền giống cho vụ sau”, ông Minh than thở.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan trước diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn của người nông dân đang diễn ra ở nhiều vùng chuyên canh cây lúa tại ĐBSCL. Hơn ai hết, họ đang lo lắng trước nguy cơ không thể sống trên chính mảnh đất của cha ông mình. Trước mắt họ là bài toán nan giải “làm gì để sống” trong thời hạn, mặn bủa vây.
Thủy điện thượng nguồn phá vỡ mối quan hệ tự nhiên sông - biển Các số liệu nghiên cứu thống kê cho biết, ngoài đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, có khoảng 40 đập thủy điện trên các phụ lưu sông Mekong, 50 dự án khác đang tiến hành, 2 con đập trên dòng chính đã hoạt động và có thêm 7 dự án nữa sắp được triển khai. Trong cơn khát năng lượng, vẫn chưa có một đảm bảo chắc chắn nào về việc các chuỗi đập thủy điện tiếp theo ở Thái Lan, Campuchia sẽ không tiếp tục triển khai, tạo ra các “quả bom nước” treo trên dòng Mekong. Có bằng chứng cho thấy, chuỗi các đập thủy điện đầu nguồn, dự án chuyển nước dòng chính Mekong tuy không làm mất đi lượng nước, nhưng đã làm trầm trọng hơn chất lượng tài nguyên nước gây tác động tiêu cực vùng hạ lưu do các đập thủy điện xả nước trong mùa lũ, tích nước trong lúc hạn, làm thay đổi quy luật điều tiết nước tự nhiên của dòng Mekong theo hướng tiêu cực, khắc nghiệt. Biển Hồ, trái tim của hệ sinh thái hạ lưu vực Mekong luôn đập theo nhịp lũ ngập, mực nước dâng, tăng diện tích nước trên 6,4 lần, thể tích lên đến 80 tỷ m³, nhưng gần đây, nhịp lũ ngập đã không còn, sản lượng thủy sản đánh bắt giảm một nửa. ĐBSCL là cửa ngõ ra biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông Mekong và biển Đông, biển Tây. Việc các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước sông Mekong và tác hại của đê bao cục bộ trong vùng, làm cho các dòng sông thiếu nước trong mùa kiệt, đói phù sa. Sông cạn, nước mặn lấn sâu vào đất liền, cùng với các tác động tích lũy, liên hoàn do sụt lún, sạt lở. TS TRẦN HỮU HIỆP, Chuyên gia kinh tế |