Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, trong quý 1-2024, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ghi nhận 348 ca bệnh TCM (tăng 114 ca so với cùng kỳ). Tại tỉnh Tiền Giang, liên tiếp trong 2 tuần gần đây số ca mắc bệnh TCM có xu hướng gia tăng với khoảng 30 ca mắc/tuần.
Trước diễn biến bệnh TCM tăng mạnh, các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các giải pháp giám sát các ổ dịch.
Thời tiết nắng nóng cũng khiến số lượng người bị đột quỵ tăng cao ở ĐBSCL. Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu hơn 6.700 ca (trong đó đột quỵ não là 2.615 ca, nhồi máu não 2.058 ca…), tăng khoảng 1.800 ca so cùng kỳ năm ngoái.
TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, khi thời tiết có mức nhiệt quá nóng hoặc lạnh quá mức sẽ làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ. Các chuyên gia khuyến cáo, do đang trong cao điểm nắng nóng đỉnh điểm, người dân khi ra đường cần che chắn kỹ lưỡng như mặc áo chống nắng, đội nón; phải cung cấp đủ nước cho cơ thể, trung bình mỗi người có thể uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
* Ngày 25-4, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có công văn gửi các địa phương và đơn vị chức năng về việc tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo nguồn thuốc phục vụ nhân dân dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh thành chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế trên địa bàn thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch và mua sắm thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh; đảm bảo chất lượng, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; thuốc phòng chống dịch bệnh và thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa hè như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa.