Theo các nhà khoa học, sạt lở ở ĐBSCL không còn là tự nhiên theo kiểu “bên lở, bên bồi”. Trước đây, quá trình bồi đắp ĐBSCL luôn có bồi đắp và sạt lở, nhưng bồi đắp luôn trội hơn sạt lở. Kết quả là ĐBSCL được bồi lấn về phía Biển Đông trung bình 16m/năm và về phía mũi Cà Mau 26m/năm. Còn hiện nay, nguyên nhân chính gây sạt lở ở ĐBSCL là do sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Công, tức là sự thiếu cát và phù sa mà tác nhân bởi các đập thủy điện chặn cát, phù sa; do khai thác cát trên sông Mê Công ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia, đến Việt Nam…
Hiện các tỉnh ĐBSCL đang vào cao điểm mùa mưa, nên sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu và đê biển liên tục xảy ra. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến nay khu vực ĐBSCL ghi nhận ít nhất 751 khu vực sạt lở, với tổng chiều dài lên đến 976km, tăng thêm 147 khu vực sạt lở so với năm 2020. Hiện có khoảng 20.000 hộ dân ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau sống ven các tuyến sông có nguy cơ sạt lở cao, cần khẩn trương di dời.
Về các giải pháp đối phó với sạt lở hiện nay, các địa phương đa phần áp dụng làm bờ kè ở khu vực xung yếu. Tuy nhiên, nếu áp dụng giải pháp này cho toàn vùng thì nguồn kinh phí lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Một số địa phương trồng cây để hạn chế sạt lở ven sông. Còn giải pháp chống chế là “sạt lở đến đâu, chạy đến đó”. Một giải pháp lâu dài mà các nhà khoa học khuyến nghị là hạn chế xây dựng nhà ở, các công trình có tải trọng nặng gần bờ sông. Và nhất thiết phải tránh quy hoạch các tuyến giao thông trong tương lai nằm cạnh bờ sông, vì khi xảy ra sạt lở sẽ dễ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như kinh phí để khắc phục rất lớn.