Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang biến đổi theo triều. Mực nước cao nhất hiện nay trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,24m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,21m. Dự báo trong vài ngày tới, mực nước sẽ xuống theo triều, đến ngày 27-9 mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 1,95m, tại Châu Đốc ở mức 1,85m…
Ông Nguyễn Hoàng Nhung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), cho biết, những ngày qua nước lũ đã tràn vào các cánh đồng ở xã Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Lạc…, nhưng chỉ bằng khoảng 2/3 so với cùng kỳ và có dấu hiệu chựng lại. Mặc dù nước lũ về muộn, người dân vùng đầu nguồn vẫn tranh thủ giăng câu, giăng lưới, đặt lợp… khai thác thủy sản mưu sinh.
Theo các tiểu thương ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, đầu mùa lũ năm nay số lượng cá linh không nhiều, nhưng giá vẫn không tăng so với các năm trước, hiện dao động 80.000 - 100.000 đồng/kg; còn chuột đồng chỉ 90.000 đồng/kg...
Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho hay, sinh kế của người dân mùa lũ năm nay gặp hạn chế hơn bởi nước trên đồng vẫn còn thấp. Ngoài ra, huyện đang thực hiện dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại 6 xã An Hòa, An Long, Phú Ninh, Phú Thành A, Phú Thành B và Phú Thọ.
Theo đó, 2 mô hình sinh kế được thực hiện là mô hình sản xuất 2 vụ lúa và nuôi cá tự nhiên trong mùa lũ; mô hình sản xuất 2 vụ lúa và kết hợp nuôi vịt, nuôi thủy sản. Các mô hình này dự kiến mang lại lợi nhuận 32 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Tại An Giang, lãnh đạo UBND xã Phú Hội, huyện An Phú nhìn nhận, rất nhiều người dân mưu sinh mùa lũ năm nay sẽ thất thu, bởi lũ muộn nên nguồn thủy sản không nhiều, cộng với tình hình dịch Covid-19 ở vùng biên giới này thời gian qua phức tạp khiến việc đi lại hạn chế…