Theo đó, có khoảng 10.603 trường hợp là F0, hơn 9.584 trường hợp F1 đang điều trị, cách ly tại nhà. Đây được xem là cách giải quyết vấn đề quá tải tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho rằng, hiện địa phương đang gặp khó khăn trong việc cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà do lực lượng y tế cấp cơ sở mỏng, thiếu bác sĩ có chuyên môn.
Bình quân ở mỗi trạm y tế chỉ có khoảng 5 đến 7 người, hiện đang phải tăng cường 4 người là sinh viên của Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ.
“Nguồn nhân lực, vật lực y tế… đang gặp rất nhiều khó khăn, kể cả lực lượng truy vết vẫn đang thiếu hụt. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là ý thức của người F0, F1 trong việc tự cách ly tại nhà, cần tuân thủ 5K và các quy định phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe chung cho bản thân và cộng đồng. Mặt khác, kêu gọi bà con xung quanh cùng hỗ trợ, cùng bảo vệ nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh”, ông Nguyễn Ngọc Ánh nói.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận: “Vấn đề cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà hiện đang gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 784 trường hợp F0 và gần 3.000 F1 tự cách ly, điều trị tại nhà; trong đó lực lượng theo dõi F1 cách ly tại nhà hiện không đủ người, còn lực lượng tại các trạm y tế cơ sở đã chịu áp lực kéo dài và quá tải. Đối với cung cấp thuốc men, thực phẩm, theo dõi diễn biến sức khoẻ tại nhà… cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng. Ngành y tế địa phương và lực lượng các cấp đang nỗ lực hết mình cho cuộc chiến với dịch Covid-19. Song, một trong những yếu tố then chốt là ý thức của người dân cần được nâng lên trong việc cách ly điều trị F0 tại nhà, cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19…”.
Chiều 1-12, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, tỉnh còn quản lý cách ly tại nhà 8.198 trường hợp liên quan tới dịch Covid-19. Kể từ khi áp dụng việc thí điểm quản lý, cách ly F0, F1 tại nhà, địa phương liên tục tuyên truyền, kêu gọi người mắc Covid-19 tự giác khai báo với cơ sở y tế, không tự mua các loại thuốc trôi nổi trên thị trường để điều trị, kể cả việc mua máy tạo oxy… vì rất dễ xảy ra hậu quả xấu nếu bệnh bất ngờ chuyển nặng.
Để người bệnh Covid-19 yên tâm, tỉnh An Giang yêu cầu toàn tuyến y tế từ tỉnh tới cơ sở, trong đó giao trách nhiệm hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn người nhiễm Covid-19 tự cách ly tại nhà cho tuyến cơ sở, nhằm giảm áp lực cho các tuyến trên, nhất là các cơ sở thu dung, điều trị phân tầng. “Cái chính là động viên tinh thần để người bệnh yên tâm, hợp tác với cơ quan y tế, không giấu bệnh hoặc lo sợ thái quá ảnh hưởng tới tâm lý sẽ không tốt cho sức khỏe”, ông Hiền nói.
Tại Kiên Giang, TS BS Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho hay, với các trường hợp F0, F1 tự cách ly tại nhà, tỉnh đã thành lập các tổ y tế lưu động để hàng ngày đo thân nhiệt, test virus SARS-CoV-2 đúng thời gian để kiểm soát dịch.
Ngoài ra, Kiên Giang cũng thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc tự nguyện túc trực tư vấn qua điện thoại 24/24 cho bệnh nhân Covid-19. Theo quy định hiện nay, người mắc Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1) sau khi hoàn thành tự cách ly sẽ được chính quyền địa phương làm thủ tục hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày.
Tại tỉnh Cà Mau, hiện có 1.400 F0 điều trị tại nhà. Nhiều nhân viên y tế ở các phường cho biết, công tác phòng chống dịch, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà cũng đang trong tình trạng quá tải.