Tại tỉnh Kiên Giang, có khoảng 40 cửa hàng thuộc hệ thống Petrolimex Kiên Giang, hơn 80 cửa hàng của KTC (Công ty du lịch thương mại Kiên Giang) và khoảng 200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác… đang duy trì hoạt động bình thường.
Ông Lâm Huỳnh Nhân, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua có khoảng 20 doanh nghiệp nộp đơn xin tạm nghỉ vì thiếu nhân viên, bán lỗ vốn… Nhưng qua kiểm tra thực tế, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã vận động, yêu cầu các doanh nghiệp này duy trì hoạt động tiếp tục, khi nào thực sự khó khăn sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết sau.
Tại An Giang, ông Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh này cho hay, trong những ngày vừa qua ở tỉnh có 23 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung, kinh doanh lỗ vốn… Đến nay, qua kiểm tra đột xuất đã có 18/23 cửa hàng vừa nêu mở cửa trở lại.
An Giang có 586 cửa hàng xăng dầu, với 4 chi nhánh, công ty con, thương nhân đầu mối xăng dầu (sản xuất, nhập khẩu xăng dầu); 2 tổng đại lý, 7 thương nhân phân phối xăng dầu trong tỉnh và 21 thương nhân phân phối xăng dầu ngoài tỉnh. Các thương nhân phân phối trong tỉnh An Giang đang gặp khó trong mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối. Do các thương nhân phân phối không có ký hợp đồng bao tiêu xăng dầu với các thương nhân đầu mối, nên khi có biến động thì các thương nhân này khó tiếp cận mua xăng dầu của thương nhân đầu mối. Hiện mức chiết khấu của các đầu mối cao nhất là 50 đồng (có khi 0 đồng), mức chiết khấu này không đủ chi phí vận chuyển từ kho đến các cửa hàng xăng dầu, nhưng các thương nhân phân phối vẫn chấp nhận mua, dù vậy đầu mối không có hàng để bán hoặc bán với số lượng hạn chế.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự trữ nguồn cung, đảm bảo nhu cầu thị trường, điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước linh hoạt, phù hợp với giá xăng dầu thế giới. Cần dự báo sát hơn tình hình cung cầu thị trường; kiến nghị Bộ Công thương làm việc các đơn vị phân phối nhằm đảm bảo cho các đơn vị bán lẻ có đủ nguồn hàng...”, ông Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang nói.
Sở Công thương Cà Mau cho biết, qua rà soát có 7 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn dừng hoạt động; đây là những cửa hàng xăng dầu tư nhân, do thiếu nhiên liệu.
Gần đây, tình hình cung ứng xăng dầu ở Cà Mau gặp khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, nên không đảm bảo cung cấp đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ. Điển hình như Công ty TNHH Lý Tấn Tài (đơn vị phân phối xăng dầu cho nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Cà Mau) đã có văn bản gửi ngành chức năng địa phương nêu rõ khó khăn về nguồn cung hạn chế, không đủ nguồn để phân phối cho các đại lý và nguồn hàng dự trữ của đơn vị đã gần hết.
Mới đây, ngành chức năng tỉnh Cà Mau tiến hành giám sát các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 389 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thì có 7 cửa hàng ngưng bán, với các lý do như giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực; nâng cấp, cải tạo, sửa chữa; hết xăng dầu, đặt hàng nhưng công ty đầu mối xăng dầu không cung cấp.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình chung là doanh nghiệp lấy hàng rồi thì giá dầu thế giới tăng cao, giờ bán sẽ lỗ. Bán càng nhiều, càng lỗ nhiều, nên các doanh nghiệp đầu mối bán ra lượng hàng tương đối, không bán nhiều để hạn chế lỗ. Thực trạng dừng hoạt động chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân; còn các cây xăng dầu của doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động bình thường. Trước tình hình trên, Sở Công thương tỉnh đã kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo kịp thời các thương nhân đầu mối, có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu nội địa.