Ông Lê Khánh Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, hơn 1 tuần nay, các đội quản lý thị trường lưu động đã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh, nếu phát hiện găm hàng chờ tăng giá sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Ngày 21-2, ghi nhận tại các cây xăng ở tỉnh Cà Mau như tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 63… vẫn bán bình thường, bán không hạn chế số lượng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cây xăng bán có hiện tượng thường nghỉ sớm hơn thường lệ. Chủ một cây xăng giải thích: “Thông thường cây xăng nhà tôi bán 21 giờ tối mới nghỉ. Tuy nhiên, bây giờ bán trời chập tối là nghỉ luôn. Sở dĩ bán nghỉ sớm là vì hiện nguồn cung hiếm, chiết khấu ít… nên bán xăng dầu không có lời, nên nghỉ sớm”.
Trước đó, qua kiểm tra, Sở Công thương tỉnh Cà Mau phát hiện có 9 cửa hàng xăng dầu tư nhân trên địa bàn tỉnh không có xăng dầu tại cửa hàng để bán. Nguyên nhân do hết xăng dầu hoặc đã đặt hàng nhưng công ty đầu mối xăng dầu chưa cung cấp, chưa phát hiện đầu cơ găm hàng. Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, có một vài thương nhân phân phối xăng dầu gặp khó khăn trong cung ứng, do không mua được xăng dầu từ đầu mối nên không đảm bảo xăng dầu để duy trì hệ thống hoặc chỉ cung cấp cầm chừng cho các cửa hàng duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 10 cây xăng có đơn xin nghỉ bán vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là sửa chữa lại, không có nhân viên bán… Sau khi tiếp nhận đơn, Sở Công thương đến kiểm tra nhưng xét thấy những lý do trên không chính đáng nên sở không chấp nhận; đồng thời yêu cầu các chủ cây xăng trên địa bàn tỉnh phải mở cửa bán lại bình thường, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu”.
Theo ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, sau khi có thông tin về hiện tượng “găm” xăng dầu, treo bảng hết xăng nghỉ bán ở một số nơi nhằm đợi giá xăng dầu tăng giá mới mở lại nhằm thu lời, ngành chức năng đã kiểm tra. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì trên địa bàn tỉnh chưa có những cây xăng dầu có biểu hiện găm hàng...
Dù xăng dầu không khan hiếm, không có tình trạng găm hàng chờ tăng giá, nhưng việc giá xăng tăng quá cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Ông Trần Quốc Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thủy sản Kiên Hùng (Kiên Giang) cho biết, sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu tăng trên 800 đồng/lít vừa qua, đơn vị này phải tốn thêm chi phí hơn 400 triệu đồng cho những container hàng đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước.
Còn ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá cho hay, giá dầu tăng cao khiến một loạt hội viên kêu trời. Mỗi chuyến biển 20 ngày thì 1 cặp tàu cào đôi (loại tàu đánh bắt xa bờ) tốn thêm ít nhất 30 triệu đồng. Giá dầu tăng cao trong khi ngư trường cạn kiệt, cá bán ra bị thương lái ép giá với lý do bù vô chi phí vận chuyển, coi như thiệt hại đổ hết lên đầu ngư dân.
Lĩnh vực vận tải cũng gặp khó, ông Trần Văn Bình (ngụ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho hay, công ty của ông có 15 chiếc xe tải chuyên vận chuyển tôm, cá từ Kiên Giang đi TPHCM, giá dầu tăng buộc ông phải tăng giá với thương lái. Bù lại khoản này, thương lái ép giá nông dân, coi như nông dân lãnh đủ. “Đề xuất nhà nước có chính sách ổn định giá xăng dầu, bởi các doanh nghiệp vừa mới hồi phục sau đại dịch, nếu tăng giá nhiên liệu liên tục sẽ rất khó cho các thành phần kinh tế”, ông Bình nói.