Chiều 7-8, tại trường Đại học Y dược Cần Thơ diễn ra hội nghị “Nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2018”.
Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 7,85 bác sĩ và 1,39 dược sĩ trên vạn dân, còn khá xa so với chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 122/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, tỉnh có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thấp nhất tại ĐBSCL là An Giang (6,30 bác sĩ/vạn dân), kế đến là Tiền Giang (6,32 bác sĩ/vạn dân). Tỉnh có số lượng dược sĩ thấp nhất là Long An (0,71 dược sĩ/vạn dân). Thành phố Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân cao nhất (11,54 bác sĩ và 12,49 trên vạn dân). Ngoài ra, đối với các chuyên ngành hiếm (như lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu), thì tình trạng thiếu hụt càng nghiêm trọng hơn. Tại 13 Trung tâm Pháp y thuộc 13 tỉnh thành ĐBSCL nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y. Hiện nay, 8 bệnh viện lao và phổi trong khu vực đã đi vào hoạt động, tuy nhiên số bác sĩ có chuyên ngành rất ít, trung bình mỗi tỉnh chỉ có từ 1 – 5 bác sĩ.
Năm 2018, trường Đại học Y dược Cần Thơ có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp các ngành. Đến nay, trường có 1.450 chỉ tiêu đào tạo (trong đó ưu tiên tối đa 85% chỉ tiêu cho khu vực ĐBSCL); tuy nhiên với năng lực đào tạo này các địa phương vẫn cho rằng không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, đồng thời đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh thật sự rất khó. Cụ thể, năm 2018 trường Đại học Y dược Cần Thơ đã xin thêm 450 chỉ tiêu ngành hiếm, nhưng Bộ Y tế chỉ cho tăng 150 chỉ tiêu.