Chiều 10-2, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu và Báo Tuổi trẻ tổ chức hội thảo phát triển mô hình "lúa thơm - tôm sạch" vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, mô hình lúa - tôm không mới, nhưng thời gian qua phát triển còn “phập phù”, chưa khai thác hết và phát huy hết giá trị. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì đây được xem là mô hình thông minh, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, để mô hình lúa - tôm phát triển bền vững cần có tư duy, có giải pháp nâng cao giá trị.
Các doanh nghiệp và hợp tác xã hợp tác tiêu thụ lúa - tôm
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2001, tỉnh bắt đầu tổ chức sản xuất mô hình lúa - tôm. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất lúa - tôm trong giai đoạn này khá nhanh, từ 5.851ha sản xuất ban đầu đã tăng lên 39.578ha vào năm 2020 và tăng gấp gần 6,8 lần so với năm 2001 (sau 20 năm). Hiện, tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác lúa - tôm đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa; có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất.
Có thể nói, lúa - tôm là mô hình bền vững, hiệu quả, tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...