Tại diễn đàn, các đại biểu, nhà nghiên cứu, chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận phân tích, nhận định chuyên sâu, đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế vùng ĐBSCL Trong đó, đã chỉ ra thực trạng, những thách thức cũng như cơ hội của ĐBSCL để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh, thành phố phía Nam.
Các ý kiến mong muốn ĐBSCL được đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn |
Những năm gần đây, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL đã được quan tâm, đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Song, hạ tầng kỹ thuật vùng vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn, nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng. Tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp; tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc.
Tại diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất: Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán xảy ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL gánh sứ mệnh là vựa lúa an ninh lương thực quốc gia, nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng và thấp hơn so với các vùng khác trên cả nước.
Quốc hội, Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho hạ tầng vùng này cao hơn hoặc bằng so với các vùng khác. Trọng tâm là đầu tư kết nối hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.