Theo ghi nhận, tại thành phố Vị Thanh (giáp với Kiên Giang) và huyện Long Mỹ (giáp với Bạc Liêu) nồng độ mặn đo được tại một số điểm tăng mạnh, có nơi vượt 3‰, tăng gần 1‰ so với trước đó vài ngày.
Tại Bến Tre, Long An, Tiền Giang, nước mặn cũng đã bắt đầu xâm nhập sâu vào nội đồng, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt; gia cố đê bao, nạo vét ao mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, 2 yếu tố thượng lưu quan trọng liên quan đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mê Công).
Theo ghi nhận, diễn biến mực nước ở trạng thái thấp, trung bình khoảng 0,94m so với chuỗi số liệu trung bình nhiều năm và thấp hơn cùng kỳ năm 2017-2018 trung bình khoảng 0,74m.
Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2019 nền nhiệt độ dự báo ở ĐBSCL có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm 0,5°C-1°C, nhiệt độ cao nhất ở mức 33°C-37°C. Từ tháng 3-2019 đến cuối mùa khô, có khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa nhưng xảy ra phạm vi cục bộ, lượng mưa không đáng kể. Dự báo mùa mưa ở ĐBSCL có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
“Hiện nay và dự báo trong thời gian tới, dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL có khả năng xảy ra biến động phức tạp, giảm nhanh ở bất cứ thời điểm nào, kết hợp với thời tiết nắng nóng nên lượng bốc hơi, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn, nhu cầu sử dụng nước ngọt cao cho sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Do đó, dự báo trong thời tới, xâm nhập mặn trong vùng sẽ có nhiều bất lợi cho sản xuất và nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt”, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định.
Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đang khẩn trương nạo vét nhiều tuyến kinh quan trọng để trữ nước, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.