ĐBSCL: Lại nơm nớp lo sạt lở

Tình trạng sạt lở ở nhiều địa phương thuộc ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng và diễn ra quanh năm, không còn theo mùa. Sạt lở bờ sông, bờ biển khiến ĐBSCL mất đi nhiều hạ tầng như đường giao thông, nhà cửa, đất đai, uy hiếp sản xuất, sinh kế của người dân…
Sạt lở bờ sông Ba Rài (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC PHÚC
Sạt lở bờ sông Ba Rài (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC PHÚC

Từ sạt lở đê biển

Đang là cao điểm của mùa khô nhưng nhiều hộ dân sống ven bờ biển từ cửa Bồ Đề đến Hóc Năng (dài khoảng 11km, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vẫn sống trong tâm trạng lo âu, nhất là những ngày vào con nước rằm và ba mươi (giữa và cuối tháng).

Ông Nguyễn Phước Lên, cư dân địa phương có nhà ở khu vực sạt lở, giải thích: “Thời tiết mùa khô năm nay có nhiều bất thường, các kỳ triều cường dâng rất cao. Gặp khi gió mạnh, sóng lớn vỗ vào bờ làm sạt lở hết nhà cửa”.

Bà Quách Thị Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn xảy ra rất nhiều. Hiện cuộc sống của hàng chục hộ dân cặp bờ biển gặp nhiều khó khăn, có hộ bị sạt lở hết vuông tôm, phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn”.

Qua thống kê, Cà Mau có nhiều khu vực bị sạt lở chiều dài khoảng 132km (bờ biển Đông khoảng 87km, bờ biển Tây khoảng 45km) và khu vực xói lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67km.

Tương tự, nhiều hộ dân sống phía sau đê biển Đông (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cũng đang lo vì đê biển trước nhà rất mong manh. Theo người dân địa phương, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê nên gây sạt lở mái và thân đê với chiều dài khoảng 46m. Trong khi đó, phía trước đê, rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn nên khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh đã tạo thành sóng lớn khiến nước biển tràn qua đê chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân phía trong đồng.

Còn tại bờ sông Mỏ Cày (thuộc thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), nhiều người dân cho biết luôn trong tâm trạng bất an bởi khu vực cặp bờ sông bị sạt lở, chiều dài khoảng 680m. Đoạn sạt lở tạo “hàm ếch”, hố sâu nguy hiểm, ăn sâu vào đất liền từ 3-5m, đe dọa cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân nơi đây.

Đến đứt đoạn đường giao thông

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, những ngày cuối tháng 3-2023 đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, vụ sạt lở tại bờ kênh Mái Dầm, xã Đông Phước chiều dài 30m. Vụ sạt lở đã chia cắt đường giao thông nông thôn trong khu vực.

Tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành cũng vừa xảy ra vụ sạt lở kéo dài 30m, sụp đường giao thông rộng 7m, làm đứt đoạn đường giao thông nông thôn. Huyện Châu Thành đã điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng người dân tham gia khắc phục tại 2 điểm sạt lở… Từ đầu năm 2023 đến nay, tại tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 8 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 150m, làm mất hơn 700m2 đất.

Tại tỉnh Tiền Giang, trong tháng 3-2023, một đoạn bờ Đông sông Trà Lọt dài gần 50m đã bị sạt lở toàn bộ xuống sông. Sạt lở đã cắt đứt tuyến đường dân sinh ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Bờ sông sạt lở vào sát con đường và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè, địa phương đã ghi nhận 62 điểm sạt lở lớn nhỏ, chiều dài trên 2.100m, ước kinh phí đầu tư khắc phục lên đến trên 27 tỷ đồng. Ngoài ra, cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cù lao Tân Long (TP Mỹ Tho), xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo)… cũng liên tục xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trước tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng nghiêm trọng, các tỉnh ĐBSCL đang tìm giải pháp bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ hạ tầng và khu dân cư… Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cũng cho biết, UBND tỉnh đã ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp bờ sông Mỏ Cày, phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn sơ tán khẩn cấp người dân, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương, đầu tư các công trình chống sạt lở nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống, an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, ĐBSCL hiện có gần 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài gần 1.000km. Từ thống kế sơ bộ tại các tỉnh, thành như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, đã có gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời.

Tin cùng chuyên mục