Tại An Giang, ở khu vực đô thị xăng dầu chưa khan hiếm nhưng càng đi về vùng sâu, vùng xa thì việc đổ đầy bình xăng trong 1 lần là không đơn giản. Dọc theo Quốc lộ 91 từ TP Long Xuyên đi An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên… cứ 2-3 cây xăng lại có 1 cây để bảng hết xăng.
Tại Kiên Giang, ngay trung tâm TP Rạch Giá, hệ thống cửa hàng xăng dầu của Công ty thương mại Kiên Giang (KTC) khá lớn cũng chỉ đổ cho xe gắn máy 30.000 đồng/lần, ôtô thì 200.000 đồng /lần.
Anh Trần Quốc Tiến, ngụ phường Vĩnh Lạc (TP Rạch Giá) ngao ngán nói: “Bây giờ ra đường cứ thấy cây xăng là ghé vô đại, hên thì được đổ vài chục ngàn đồng, còn xui thì đi tìm cây xăng khác. Nói chung là đổ xăng theo kiểu… hên xui”.
Tính chung 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang có khoảng trên 30 doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu, khoảng trên 1.200 cửa hàng bán lẻ. Trong số đó, ít nhất 70 cửa hàng xin tạm ngừng kinh doanh. Các cửa hàng còn lại thì mở cửa bán, khi nào hết xăng thì treo bảng thông báo, có cây xăng mới 5 giờ chiều đã đóng cửa nghỉ bán.
Còn tại Tiền Giang, một chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu (ở TP Mỹ Tho) cho biết, những ngày qua, nguồn cung xăng, dầu vẫn khó khăn, tình hình chưa được cải thiện so với trước. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, trả lương cho nhân viên bán hàng, điện, nước, trung bình 1 lít xăng, dầu doanh nghiệp bán ra lỗ khoảng 1.000 đồng. Hiện doanh nghiệp cố gắng bù lỗ để giữ mối. Mức chiết khấu xăng, dầu đầu mối cung ứng cho doanh nghiệp đang bằng 0. Các ngành chức năng cần giải quyết chuyện chiết khấu hoa hồng cho các đơn vị bán lẻ xăng, dầu. Nếu tình hình này kéo dài thì các cửa hàng không thể trụ nổi.
Trước diễn biến thị trường xăng dầu hiện nay, theo Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, nằm trong tình hình chung của cả nước, tình hình biến động xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện khá phức tạp. Một số doanh nghiệp do mức hoa hồng thấp cũng như biến động của thị trường thế giới nên các đơn vị tổng đại lý, đầu mối cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ đôi khi chưa đảm bảo tính kịp thời. Một số doanh nghiệp phản ánh do hoa hồng thấp, kinh doanh không có lãi nên đã gửi đơn đến Sở Công thương tỉnh Tiền Giang để tạm ngừng hoạt động.
Tùy vào tình hình cụ thể, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ kiểm tra và xem xét đơn vị nào có lý do chính đáng thì được chấp nhận cho tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, số cửa hàng tạm ngừng hoạt động so với tổng số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cùng lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình cụ thể của các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, đơn vị đầu mối để tránh đứt gãy nguồn cung.
Tại Long An, ghi nhận thực tế, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh ngưng bán xăng dầu trước đó với lý do hết xăng vẫn chưa mở cửa, hiện chỉ các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và một vài cửa hàng khác vẫn duy trì bán xăng định mức cho người dân.
Trao đổi với phóng viên, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn than lỗ và nguồn cung xăng không có nên đóng cửa. Tỉnh Long An có 4 nguồn cung cấp xăng dầu đều cung cấp định mức cho các cửa hàng xăng dầu bán phục vụ người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu xăng. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu khác trên địa bàn tỉnh lấy xăng từ nguồn cung ngoài tỉnh đã đóng cửa với lý do không có nguồn cung, cửa hàng hết xăng, khiến cơ quan chức năng địa phương khó kiểm soát.
Tại Vĩnh Long, ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: Sở cũng thành lập đoàn đi kiểm tra tình hình xăng dầu trên địa bàn. Mặc dù có khoảng 30 cây xăng nhỏ đóng cửa, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình cung ứng xăng dầu cho bà con địa phương.
Cũng theo ông Phương, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn là: Petrolimex, Nam sông Hậu, PV Oil chiếm tỷ lệ 70% trên địa bàn tỉnh, do đó với số lượng 362 cây xăng lớn, nhỏ trên địa bàn thì đoàn công tác ghi nhận chỉ có khoảng 30 cây xăng nhỏ đóng cửa. Như vậy nguồn cung xăng dầu trên địa bàn ảnh hưởng không đáng kể. Đoàn cũng kiểm tra nguyên nhân đóng cửa của khoảng 30 cây xăng trên, từ việc đo bồn, kiểm tra hợp đồng đầu vào đầu ra… thì không có vi phạm. Nguyên nhân chính là không có nguồn hàng nên đóng cửa tạm thời.
Theo ghi nhận tại Bến Tre, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3/399 cây xăng chỉ còn dầu nhưng hết xăng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhà cung cấp chưa giao hàng kịp thời. Tuy nhiên, Sở Công thương tỉnh Bến Tre cũng làm việc với thương nhân cung cấp và cửa hàng xăng dầu, cam kết chậm nhất vào tối nay hoặc sáng mai sẽ có hàng để phục vụ cho Khách hàng, đảm bảo không để đứt gãy nguồn hàng tại địa phương.
Còn tại Trà Vinh, ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương tỉnh thông tin: Tình hình trên địa bàn tỉnh nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo, chưa ghi nhận cây xăng nào vi phạm. Mặc dù có tình trạng cây xăng hết xăng, nhưng do nguồn cung và thời gian vận chuyển nên chỉ cục bộ hết xăng tạm thời.
Cùng ngày, ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TMĐT Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết, công ty vừa nhập 6.300.000 lít xăng Ron 95 và 3.000.000 lít dầu DO tại Tổng kho Nam Sông Hậu (thuộc KCN Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) để bảo đảm cung cấp cho hệ thống không bị thiếu hàng. Để chia sẻ khó khăn với đại lý bán lẻ xăng dầu, công ty quyết định cùng chịu lỗ khi nâng mức chiết khấu bán hàng từ 250 đồng đến 350 đồng/lít. |