Liên quan đến sự cố nghiêm trọng này, ngay khi thông tin được công bố chiều 24-7, rất nhiều người lo ngại một khối lượng nước khổng lồ như vậy sẽ đổ về sông Mê Kông và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ĐBSCL của Việt Nam.
Theo tính toán của Ủy hội sông Mê Kông, chiều 24-7, hiện tại chưa rõ chính xác lượng nước xả ra thực tế của sự cố này là bao nhiêu m3. Tuy nhiên theo tính toán thì với 5 tỷ m3 nước xả ra từ sự cố đập thủy điện này, mực nước tại hệ thống sông ở ĐBSCL có thể lên khoảng 4-5cm so với mực nước hiện tại ở sông Hậu tại Tân Châu, Châu Đốc.
Như vậy, sự cố tại đập thủy điện tại Lào không ảnh hưởng nhiều tới lưu vực sông Cửu Long của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Ủy hội sông Mê Kông đang theo dõi và tính toán thêm các số liệu thực tế.
Theo một chuyên gia về khí tượng, sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào không ảnh hưởng nhiều song đáng quan tâm là đợt lũ sắp xảy ra tại ĐBSCL vào cuối tháng 7 mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã công bố.
Dự án thủy điện XePian XeNamnoy là công trình trọng điểm về phát triển thủy điện của vùng Nam Lào. Công trình thủy điện XePian XeNamnoy nằm trên sông Xenamnoy thuộc hai tỉnh Champask và Attapeu – Lào. Vị trí dự kiến xây dựng công trình: cách dòng chính khoảng 200km (tính đến StungTreng) và cách biên giới Việt Nam khoảng 650km.
Công trình khởi công từ tháng 2-2013. Công trình hoàn thành tháng 3-2018. Hồ bắt đầu tích nước từ tháng 1-2018, với lưu lượng đến hồ trong mùa khô khoảng từ 10-15m3/giây, do vậy dung tích hồ hiện nay chỉ khoảng 500 triệu m3.
Theo quan trắc số liệu thực tế cho thấy, so với bình thường, sau khi vỡ đập XePian XeNamnoy, thì mực nước tăng 35cm (phù hợp với 1 lượng nước gia tăng đột biến khoảng 500 triệu m3 tại vị trí StungTreng (ứng với mặt cát ướt của sông Mê Kông tại Stung Treng trong thời điểm này là 800m). Qua tính toán nhanh, với mức gia tăng này, mực nước về đến Tân Châu – Châu Đốc chỉ còn khoảng 5cm, không gây tác động đáng kể tới ĐBSCL.