ĐBSCL khởi động lại chuỗi sản xuất

Những ngày đầu tháng 10-2021, người dân nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt tay khởi động lại chuỗi sản xuất, bởi tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nơi đã cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới ngày càng giảm. 
Hoạt động mua bán thủy hải sản ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu)
Hoạt động mua bán thủy hải sản ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu)

Khởi động mua bán hải sản

Vận chuyển cá từ tàu biển lên bờ, người dân tất bật phơi cá làm khô…, là hình ảnh cho thấy nhịp sống ở thị trấn biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đã bắt đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”. “Thời gian qua, do áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nên người dân phải ở nhà, kinh tế gia đình vì vậy gặp khó khăn. Sau khi địa phương nới lỏng giãn cách, chúng tôi rất mừng và bắt tay vào làm việc ngay”, bà Nguyễn Thị Hường đang phơi khô tại một tuyến dân cư thị trấn biển Gành Hào, chia sẻ. 


Nhịp sống, hoạt động mua bán hải sản được khởi động lại là một cố gắng của tỉnh Bạc Liêu. “Địa phương đã nới lỏng giãn cách, nhưng chúng tôi khuyến cáo và mong người dân không được chủ quan. Trong hoạt động sản xuất phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, ưu tiên bảo đảm an toàn phòng dịch bệnh là trên hết”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Nguyễn Trọng Hán cho biết.

Tỉnh Bến Tre cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh xác định ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, người lao động tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh… Phương châm là tổ chức sản xuất an toàn, lưu thông an toàn, ăn ở an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. 

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết: “Các ngành và địa phương trong tỉnh đang tăng cường phối hợp, hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao; phát triển chuỗi giá trị con tôm gắn với đề án 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao. Khuyến khích vận động, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, nhằm bảo quản tốt nông sản và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, kiên định và tạo điều kiện tối đa cho các chuỗi sản xuất. Càng khó khăn thì càng phải tìm cách giữ vững chuỗi, kể cả chuỗi cung ứng và chuỗi phân phối”. 

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Tại tỉnh Hậu Giang, hơn 140 công nhân của Nhà máy Đường Phụng Hiệp đã được cho phép trở lại hoạt động để chuẩn bị vào vụ mía 2021-2022. Đây là tin vui cho nhiều nông dân trồng mía ở Hậu Giang. Nhà máy đường này cũng là một trong những doanh nghiệp được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt phương án sản xuất trở lại trên địa bàn tỉnh. Song song đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang duy trì hoạt động chủ yếu trong các khu, cụm công nghiệp do ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang Phạm Tiến Hoài cho biết: “Thời gian vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn rất tốt. Tỉnh cũng tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp như tiêm vaccine đối với công nhân, người lao động; những doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn “3 tại chỗ” là tỉnh cho hoạt động ngay”. 

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho rằng, tỉnh sẽ tập trung củng cố và phát huy hiệu quả liên kết ngang giữa người dân với người dân và các liên kết dọc giữa người dân, tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp. Tăng cường, chủ động tham gia các chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản với TPHCM, khu vực ĐBSCL và cả nước; đồng thời chủ động kết nối các thị trường nước ngoài. Tái khởi động lại các hoạt động kinh tế du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp, khuyến khích “người Bến Tre du lịch Bến Tre”…

Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam nhận định: “Đợt dịch Covid-19 lần này đã gây ra khủng hoảng nặng nề cho khu vực phía Nam, ngành chế biến nông thủy sản ở ĐBSCL gần như tê liệt hoàn toàn. Do đó, khi các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch thì việc khôi phục lại hoạt động kinh tế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cấp bách”. Cũng theo ông Lam, tín hiệu đáng mừng là sau thời gian quyết liệt chống dịch thì đến nay các địa phương đã có kết quả tích cực; nhiều vùng xanh liên tục mở rộng đã tạo sự an tâm và mạnh dạn cho doanh nghiệp cùng chính quyền khẩn trương khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Một số địa phương như Long An, Đồng Tháp… đã liên tục trao đổi trực tuyến giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm cùng nhau đưa ra phương án sản xuất phù hợp nhất, an toàn nhất.

Tin cùng chuyên mục