Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước sông Cửu Long đang dao động ở mức đỉnh. Vùng đầu nguồn trên báo động (BĐ) 2, tại các trạm hạ lưu ở mức BĐ2-BĐ3. Lũ chính vụ dự báo từ ngày 27-9 đến 5-10, mực nước trên BĐ 3 từ 0,1 – 0,3 m (Tân Châu 4,6 – 4,8 m; Châu Đốc 4,1 – 4,3 m).
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, do có lũ lớn nên vụ lúa thu đông (lúa vụ 3), ĐBSCL chỉ xuống giống 535.600 ha (thấp hơn khoảng 200.000 ha so với kế hoạch). Diện tích lúa thu đông sản xuất trong vùng có bờ bao, đê bao có thể bị ảnh hưởng của lũ chính vụ là 165.200 ha. Trong đó diện tích lúa có nguy cơ bị tràn là 105.296 ha; lúa có nguy cơ bị mất an toàn là 59.900 ha.
Diện tích lúa bị lũ chính vụ uy hiếp tập trung ở 4 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích lúa bị lũ gây thiệt hại lớn nhất: lúa thu đông trong vùng có bờ bao, đê bao có thể bị ảnh hưởng là 74.145 ha, trong đó có nguy cơ bị lũ tràn là 51.435 ha; lúa có nguy cơ bị mất an toàn là 26.705 ha.
Đến nay đã có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do mưa lũ và triều cường gây ra. Tại Kiên Giang hơn 2.200 ha lúa bị ngập lũ. Trong đó, huyện Giang Thành có 300 ha bị thiệt hại từ 30-70%. Huyện Hòn Đất còn hơn 12.400 ha chưa có đê bao bảo vệ có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ. Hiện các tỉnh ĐBSCL đang huy động nhiều nguồn lực để gia cố đê bao, giúp nông dân thu hoạch lúa chạy lũ ở vùng xung yếu.
Sáng nay 27-9, tại Cần Thơ nước lũ kết hợp triều cường tiếp tục gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường nội ô, làm xáo trộn sinh hoạt của nhiều người dân.