Trẻ em khám, điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng, trẻ đến khám và điều trị đau mắt đỏ những ngày qua rất đông. Số ca mắc tăng mạnh, tập trung ở các cơ sở giáo dục.
BSCKII Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng cho hay, từ ngày 1-9 đến 20-9, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 220 trường hợp trẻ có các triệu chứng mắt đỏ, chảy nước mắt, ghèn kết dính, khó mở mắt, sốn và ngứa mắt… Có trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Cao điểm, trong 3 ngày từ 18 đến 20-9, bệnh viện tiếp nhận 119 ca đau mắt đỏ.
Còn tại Bến Tre, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, từ ngày 11 đến 19-9, toàn tỉnh ghi nhận 4.718 ca bệnh tại 301 cơ sở giáo dục, nhiều nhất tại các huyện: Ba Tri (910 ca), Châu Thành (761 ca), Mỏ Cày Nam (675 ca), Mỏ Cày Bắc (559 ca)… Đặc biệt, CDC tỉnh ghi nhận số ca mắc vượt ngưỡng 1.000 ca chỉ trong ngày 19-9.
CDC Bến Tre khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ bằng các biện pháp như vệ sinh tay bằng xà phòng, không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng, không dùng chung vật dụng cá nhân nhằm hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh. Trường hợp ca mắc bệnh hoặc nghi bị bệnh cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng.
Theo Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn, vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Đến nay, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Cô giáo mầm non tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng vệ sinh đồ chơi cho các bé |
BSCKII Chung Tấn Định cho biết thêm: "Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Bệnh dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, vui chơi của trẻ. Có trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Vì vậy, phụ huynh cần trang bị kiến thức để phòng bệnh tốt cho trẻ".
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát ở tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre Dương Thị Như Ngọc yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với các trường hợp bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú; đồng thời cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm. Trung tâm y tế huyện, thành phố dự trù đầy đủ thuốc, hóa chất, sẵn sàng cho các hoạt động phòng, chống dịch đau mắt đỏ để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Ngày 21-9, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng đã ký, ban hành công văn hỏa tốc về tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết và tay chân miệng; đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bùng phát không kiểm soát được.