Ngày 1-11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau họp trực tuyến triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện trên vùng biển Đông đang hình thành ATNĐ từ phía Philippines, có thể mạnh lên thành bão và có thể kết hợp với ATNĐ hình thành trước đó, đang tiến vào vùng biển Cà Mau với cấp gió từ 6-7, giật cấp 9. ATNĐ này trùng với thời điểm 20 năm trước bão Linda vào Cà Mau (1997).
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau, trên vùng biển Cà Mau đang còn 464 tàu thuyền, 2.644 người đang hoạt động trên biển. Văn phòng đã liên lạc được 288 tàu, 1.587 người. Vẫn còn 171 tàu, với 1.057 người chưa liên lạc được.
Hiện 3.387 tàu đang neo đậu tại các bến an toàn. Theo nhận định, ATNĐ sẽ ảnh hưởng đến các đê xung yếu, các cụm dân cư ven biển, ven cửa sông và các công trình, hạ tầng sản xuất ven biển; ngập úng lúa, hoa màu; ngập tràn bờ bao, đê bao, đầm tôm; nước biển có thể dâng cao từ 1,6-2,2m.
Ông Trần Hồng Quân, Phó Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau cho biết: Hiện nay công tác kêu gọi các tàu thuyền tìm nơi tránh trú đang được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Tỉnh yêu cầu các địa phương phải cập nhật tình hình ATNĐ và các phương án ứng phó mỗi 4 giờ một lần về tỉnh; đồng thời nghiêm cấm các tàu ra khơi kể từ 18 giờ ngày 1-11. Thời gian cho phép ra khơi sẽ có thông báo sau.
Các đơn vị chức năng phải đảm bảo hoạt động của đội tàu cứu hộ. Việc di dời dân khỏi vùng ảnh hưởng hay không thì giao UBND các huyện tự quyết nếu thấy cần thiết. Song song đó, phải đảm bảo công tác chằng chống nhà cửa, hạn chế thiệt hại.
Các địa phương có phương án hỗ trợ người dân bảo vệ vùng sản xuất chống tràn do nước dâng. Khơi thông cống rãnh, đặc biệt trong địa bàn đô thị. Thống nhất xem xét học sinh mầm non và tiểu học ở khu vực nguy hiểm nghỉ học vào sáng 2-11. Việc này giao cho UBND cấp huyện xem xét, quyết định.
Kiến nghị với Trung ương, Bộ Ngoại giao giúp ngư dân vào trú bão ở vùng biển Malaysia, Indonesia vì các phương tiện này không vào kịp về nước tránh trú.
Tỉnh Cà Mau quyết định dời lễ tưởng niệm 20 năm các nạn nhân thiệt mạng bão Linda vào ngày 3-11.
Theo Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, hiện Hòn Chuối còn khoảng 40 lồng bè với 15.000 con cá bớp đang phát triển. Tuy nhiên, giá trị không lớn. Biên phòng đang vận động bà con chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Tại tỉnh Bạc Liêu, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã có thông báo số 1 về việc triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động. Kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn ở trên biển để thông báo tìm nơi trú ẩn an toàn. Thông tin tuyên truyền rộng rãi về diễn biến của ATNĐ để nhân dân chủ động, phòng tránh kịp thời. Chuẩn bị sẵn các lực lượng cứu hộ, cứu nạn để huy động khi cần thiết. Sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn ở khu vực ven biển. Vận động nhân dân tích cực gia cố bờ bao, ao đầm, bơm tát nước để bảo vệ diện tích lúa thu đông, lúa trên đất tôm, diện tích nuôi trồng thủy sản và rau màu, chủ động chằng chống nhà cửa đề phòng lốc xoáy, dông sét…
Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu: Qua rà soát thống kê, tỉnh Bạc Liêu còn 433 tàu ra khơi đánh bắt xa bờ. Trong 2 ngày qua, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng liên lạc được 424 tàu tìm nơi trú ẩn an toàn, còn 9 tàu không liên lạc được. Tuy nhiên, sáng nay gia đình của 9 tàu này cho biết: Hiện các tàu đã cập đảo Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau tìm nơi neo đậu an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ, ngày 1-11, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT-TKCN đã đến Sóc Trăng làm việc và đi thực tế tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.
Ông Nguyễn Đức Quang đánh giá, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai tốt mọi phương án phòng chống thiên tai. Qua đó đề nghị tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến người dân sống ven đê biển và xem xét cẩn thận nhà dân tại khu vực trên có chịu nổi sức gió giật cấp 7, 8 hay không để có biện pháp di dời. Để phòng ATNĐ thành bão khi đó mưa lớn, nước biển dâng thì nên xem kỹ các công trình đê biển, đê sông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, kể cả việc sản xuất nông nghiệp của bà con.
Hiện Sóc Trăng đã liên hệ được hơn 214 tàu với hơn 1.192 thuyền viên, gồm: hơn 193 tàu xa bờ, trên 21 tàu gần bờ; các tàu còn lại đang tiếp tục được liên lạc.
Hiện khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh trời đang mưa, có nơi có dông. Nhằm chủ động ứng phó với ATNĐ gần bờ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Trà Vinh thông báo cho các tàu cá luôn hoạt động theo nhóm, giữ liên lạc và luôn trong tư thế sẵn sàng di chuyển khi có lệnh.
Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí người túc trực, liên tục liên lạc được với tất cả các tàu cá của địa phương đang hoạt động đánh bắt và ra lệnh cho gần 200 tàu cùng gần 1.600 thuyền viên của địa phương không được di chuyển xa bờ và xuống phía Nam.
Trà Vinh chỉ hơn 1.270 tàu cá tham gia hoạt động khai thác, nhưng trong số này có hàng trăm chiếc đã cũ, máy móc thiết bị hay hư hỏng thất thường, dễ xảy ra tai nạn khi gió lớn ập đến. Do đó lực lượng Bộ Đội Biên phòng và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, ngoài giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện để thông tin diễn biến và hướng di chuyển của ATNĐ còn chuẩn bị sẵn lực lượng trợ giúp ngư dân trong trường hợp cấp bách.