Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh hán hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại Cà Mau, cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, ở thời điểm hiện tại, nhiều vùng trên cả nước không cân đối được nguồn nước tại chỗ do hạn hán gay gắt. Tại ĐBSCL, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu làm hơn 50.000 hộ dân ở nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt; trong đó, riêng tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ bị ảnh hưởng.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và các địa phương hãy biến tinh thần của Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường thành các hoạt động thiết thực và hiệu quả như: Tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm trong trường hợp thiên tai; tổ chức các đợt đánh giá, kiểm tra hoạt động của các công trình cấp nước; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, kiểm tra nhà vệ sinh công cộng; vận động người dân xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh hộ gia đình an toàn...
“Chúng ta phải thống nhất lại nhận thức Việt Nam là một quốc gia thiếu nước, nước không phải vô hạn mà là hữu hạn. Để sử dụng nước ở góc độ hữu hạn thì phải có hành động tương xứng. Đề nghị cấp ủy, chính quyền tiếp tục có đầu tư và hành động cụ thể, hướng đến mục tiêu của chúng ta là đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn đều được tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng về nước sạch, cũng như môi trường”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi.
Theo Bộ NN-PTNT, đến hết năm 2023, toàn quốc đã xây dựng và đưa vào vận hành hơn 18.000 công trình nước sạch nông thôn tập trung, đưa tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 92%, trong đó hơn 57% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia; 94% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu (80% có nhà tiêu hợp vệ sinh); 96% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh đạt chuẩn.
Dịp này, Bộ NN-PTNT cũng phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam quyết định Kích hoạt gói cứu trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau.
Chương trình tập trung vào hoạt động cấp phát tiền mặt cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhằm nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất.
Theo đó, hơn 1.000 hộ gia đình tại 4 xã: Khánh An, Khánh Thuận (huyện U Minh), Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), Biển Bạch (huyện Thới Bình) sẽ được hỗ trợ tiền mặt vào 2 đợt (lần đầu trong tháng 4 và lần thứ hai trong tháng 5) với tổng số tiền trên 5,4 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên được hỗ trợ 6 triệu đồng.