Tại vùng ven biển Bến Tre sau khi nghêu chết cả ngàn tấn các hợp tác xã và người dân dồn sức vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, không để ô nhiễm, theo dõi diễn biến độ mặn để khi điều kiện thuận lợi sẽ gia tăng thả nuôi nghêu thương phẩm phục vụ xuất khẩu.
Tại Sóc Trăng, ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, bộc bạch: “Thời gian qua do độ mặn quá cao nên gần 1.900ha tôm nuôi bị chậm lịch thời vụ. Để tránh thiệt hại, chính quyền khuyến cáo người nuôi thả cầm chừng, rải rác với mật độ thưa; đồng thời theo dõi chờ độ mặn giảm sẽ gia tăng xuống giống trong thời gian tới”. Còn theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, hàng năm toàn tỉnh thả nuôi 25.000ha tôm các loại nhưng năm nay tỷ lệ xuống giống chỉ bằng 30% so cùng kỳ. Hiện tại, ngành chuyên môn đang tích cực hỗ trợ người dân phương án sản xuất, chỉ cần thời tiết ổn định cộng với giá tôm cải thiện diện tích nuôi sẽ nhanh chóng khôi phục.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL xem như hoàn thành tốt với sản lượng đạt 10,7 triệu tấn; nông dân bán có giá nên lãi từ 30%-40%. Mặt được là vậy nhưng vẫn còn một số nơi chủ quan, thiếu phối hợp chặt chẽ, nông dân thiếu thông tin nên xuống giống không theo khuyến cáo; lịch thời vụ chưa được kiểm tra thường xuyên, chưa rà soát kỹ về nguồn nước nên cơ cấu mùa vụ còn lúng túng… Từ đó, toàn vùng ĐBSCL có hơn 33.800ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng hạn mặn mức độ khác nhau. Dù thiệt hại thấp hơn nhiều so với năm 2016 nhưng cần rút kinh nghiệm để tổ chức sản xuất hợp lý hơn trong thời gian tới.
Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, những ngày đầu tháng 4-2020 độ mặn giảm nhưng giữa tháng 4 xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ tăng cao trở lại, sau đó đến cuối tháng 4 khả năng giảm nhanh ở các cửa sông… Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần theo dõi chặt diễn biến nhằm chủ động gia tăng sản xuất khi điều kiện cho phép.
Bộ NN-PTNT cho rằng, hạn mặn năm nay vượt mốc kỷ lục năm 2016 và dù đã chủ động ứng phó nhưng một số thiệt hại xảy ra trên lúa, rau màu, thủy sản… khó tránh khỏi. Dự báo, giữa tháng 4 này, sau khi đợt mặn lên cao tình hình sẽ giảm dần. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo sản xuất hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu năm 2020 đảm bảo thắng lợi, với mục tiêu đạt hơn 8,7 triệu tấn. Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL cũng sớm tính kế hoạch sản xuất vụ thu đông với khoảng 750.000ha trong điều kiện dự báo lũ nhỏ không ảnh hưởng cho lúa.