Tại vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, giá phân Urê từ 6.700 đồng/kg tăng lên hơn 17.000 đồng/kg, DAP từ 8.500 đồng/kg tăng lên 20.000 đồng/kg, phân NPK 16-16-8 từ 8.860 đồng/kg tăng trên 18.000 đồng/kg… Bình quân mỗi hécta lúa, nông dân bón 500kg phân các loại. Với giá phân tăng cao như hiện nay thì chi phí phân bón sẽ chiếm 1/3 giá thành sản xuất lúa.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTX Mỹ Thành Bắc (Tiền Giang), chia sẻ, HTX sẽ tuyên truyền cho bà con chọn những giống nhẹ phân, sạ thưa để giảm giá thành. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con chọn các giống lúa chất lượng cao để khi thu hoạch sẽ bán được giá hơn.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, sẽ hướng dẫn thay thế một phần các loại phân bón tổng hợp NPK bằng các loại phân đơn và các loại phân hữu cơ, song song đó tiến hành kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi kinh doanh phân bón giả gây thiệt hại cho nông dân...
Lý giải về việc tăng giá phân bón, theo ông Võ Văn Phu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, công ty sản xuất 3 tại chỗ, vì vậy giá thành lúc này tăng cao. Trong thời điểm khôi phục sản xuất tới đây, công ty sẽ cố gắng kiểm soát giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành cho khách hàng.
Trong khi đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón thế giới hiện đang đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này đẩy doanh nghiệp và nông dân vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khí đốt tại châu Âu, nguyên liệu sản xuất Urê tăng mạnh so với trước dịch; trong khi nguồn cung bị thắt chặt từ Trung Quốc, khu vực Trung Đông, cộng giá cước vận chuyển tăng cao… đã đẩy giá phân tăng kỷ lục.