Chiều 21-2, thương lái mua lúa tại ruộng giá 4.400 - 5.500 đồng/kg (tùy giống), tăng 100 - 150 đồng/kg so với trước. “Tỉnh vừa họp với 6 doanh nghiệp và thống nhất thực hiện hợp đồng (khoảng 22.000ha/78.000ha lúa đông xuân) mua lúa bao tiêu của nông dân. Doanh nghiệp cũng cam kết mở rộng thu mua lúa ngoài hợp đồng theo diễn biến giá thị trường”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.
“Các doanh nghiệp đang tập trung thu mua lúa hàng hóa đông xuân của nông dân. Doanh nghiệp cũng rất mừng khi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và lãnh đạo ngành ngân hàng có cuộc họp bàn sâu hơn về giải pháp tiêu thụ lúa đông xuân ở ĐBSCL”, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Gentraco, cho biết.
Theo một số doanh nghiệp ở ĐBSCL, nông dân cần bình tĩnh không nên bán vội lúa đông xuân để tránh tình trạng doanh nghiệp mua lúa giá thấp, kéo theo giá xuất khẩu thấp, khiến nông dân và doanh nghiệp đều bị thiệt.
Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng đang triển khai 12 đơn vị doanh nghiệp thành viên thu mua lúa đông xuân tại 34 điểm ở ĐBSCL. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc thành viên của VFA đang kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vay bổ sung để tăng cường mua lúa trong dân.
Dự báo trong quý 1-2019, Philippines, Indonesia… sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Do vậy, việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam và nông dân chủ động khâu tạm trữ chờ giá lúa ổn định, giữ được lợi nhuận là biện pháp cần thiết trong lúc này.