ĐBSCL: Giá cam còn 2.000 đồng/kg, thương lái vẫn không mua

Lâu nay, phần lớn nhà vườn trồng cam sành tại ĐBSCL chưa có đầu mối bao tiêu ổn định, chủ yếu bán cho thương lái. Trong khi đó, nông dân liên tục mở rộng diện tích trồng cam khiến sản lượng tăng mạnh, ngược lại sức mua yếu dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Hiện, giá cam tại vườn chỉ khoảng 2.000 đến 4.000 đồng/kg.

Cam sành được trồng tập trung ở các tỉnh như Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp. Có thời điểm giá cam tăng cao, lợi nhuận cao hơn trồng lúa rất nhiều nên người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng cam.

Vì vậy diện tích trồng cam tại ĐBSCL tăng nhanh nhưng đầu ra không ổn định dẫn đến nguồn cung vượt cầu khiến giá cam lao dốc, nhà vườn lao đao.

CAM6.png
Cam sành được trồng tập trung ở các tỉnh như Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp
CAM3.png

Thời điểm này, thương lái thu mua cam tại vườn giá chỉ từ 2.000 đồng/kg. Để giảm chi phí, nông dân để cây ra trái tự nhiên, hạn chế xử lý ra trái nghịch vụ, nhưng đầu ra không ổn định dẫn đến tình trạng tồn đọng do nông dân sợ lỗ công thuê thu hoạch, cam chín phải bỏ đi.

CAM5.png
Nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch cam

Ông Nguyễn Văn Tư, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, hầu như thương lái ưu tiên tiêu thụ những vườn cam đã có ký kết hợp đồng tiêu thụ trước, hoặc những vườn cam mối quen nhiều năm. Còn những vườn cam mới phát sinh thì đành phải chờ thương lái khác so sánh giá cả cũng như năng suất, chất lượng mới thu mua nhưng số lượng không nhiều.

CAM4.png
Nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch cam

Gia đình ông Tư có 4 công cam sành đã quá lứa thu hoạch, liên hệ với thương lái nhiều lần nhưng vẫn chưa thống nhất được giá. “Hiện, cam chín vàng cây, giá cam quá thấp trong khi vùng này là xã cù lao nên khó khăn trong thu hoạch và vận chuyển, vụ này khả năng sẽ thua lỗ”, ông Tư nói.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 5.000 ha diện tích trồng cam tập trung chủ yếu ở Cái Bè, Cai Lậy hay Châu Thành.

CAM 1.jpg
Không có thương lái đến mua nên nhiều vườn cam đã chín

Vĩnh Long là địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất vùng ĐBSCL với khoảng 18.000 ha cam sành đang cho trái, năng suất từ 70-100 tấn/ha, sản lượng hơn 1 triệu tấn/năm. Nếu rải vụ quanh năm thì trung bình 1 ngày Vĩnh Long phải tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cam.

CAM 5.jpg
Vĩnh Long là địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất vùng ĐBSCL với khoảng 18.000 ha

Huyện Trà Ôn là địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh Vĩnh Long. Theo các hợp tác xã cam sành tại huyện Trà Ôn, dù thu hoạch bán cho thương lái chỉ với giá 3.000 đồng/kg (tùy loại), tuy nhiên các xã viên cho biết không lỗ do nông dân trồng theo mật độ, phương pháp bón phân cũng như kỹ thuật chăm sóc khoa học. Vì vậy, chi phí đầu tư ít và giảm tỷ lệ hao hụt.

CAM 3.jpg

Theo ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân giá cam giảm là do cam sành hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL liên tục mở rộng diện tích nên cung vượt cầu. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trong tỉnh không mở rộng thêm diện tích trồng cam.

CAM 6.jpg
Trồng cam áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ giảm chi phí và hao hụt

Việc phát triển cây trồng nói chung và cam sành nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân các địa phương không nên đổ xô chuyển đổi cây trồng hoặc thuê thêm đất để trồng cam. Đồng thời, nông dân phải chú ý đến quy hoạch của địa phương, nhất là thị trường tiêu thụ, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông.

CAM.jpg
Ngành chức năng khuyến cáo nông dân các địa phương không nên đổ xô chuyển đổi cây trồng hoặc thuê thêm đất để trồng cam

Thay vì tăng diện tích, sản lượng thì cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo hướng an toàn từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Tin cùng chuyên mục