Tại Cần Thơ, năm 2022, có 515 lao động đi XKLĐ. Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong năm 2022, toàn tỉnh có trên 1.700 lao động đi XKLĐ, đạt 118,6% kế hoạch và hiện có hơn 1.400 lao động đang đào tạo, chờ xuất cảnh. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu đưa ít nhất 1.500 lao động đi XKLĐ.
Còn tại Trà Vinh, đến nay, toàn tỉnh đã đưa gần 3.500 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có gần 1.400 lao động nữ, dân tộc Khmer có gần 600 người. Tỉnh cũng hỗ trợ cho NLĐ vay vốn để đi XKLĐ. Trong khi đó, 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang có lực lượng lao động dồi dào (khoảng 700.000-800.000), tuy nhiên cả năm 2022 và 2 tháng đầu năm nay, tỉnh chỉ có khoảng 128 NLĐ đang làm việc tại nước ngoài.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang, cho biết, mỗi năm tỉnh có khoảng 30 người được tư vấn, đào tạo đi XKLĐ. Tỉnh có chính sách hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo (khoảng 15,6 triệu đồng/người), hỗ trợ cho vay lãi suất thấp để NLĐ có chi phí làm thủ tục… Tuy nhiên, số NLĐ chấp nhận đi làm việc ở nước ngoài còn rất thấp.
Lý giải nguyên nhân ít NLĐ chịu đi nước ngoài làm việc, TS - bác sĩ Nguyễn Văn Phát, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang, cho rằng: Văn hóa truyền thống lâu đời của ĐBSCL là con cháu phải ở gần ông ba, cha mẹ để quan tâm, chăm sóc lúc ốm đau, neo đơn. Chưa kể, các bậc cha mẹ cũng ít người chịu cho con đi làm xa vì lo sợ những rủi ro.
“Hàng năm, có rất nhiều công ty tới Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang tìm hiểu, giới thiệu cơ hội làm việc ở nước ngoài, đào tạo ngoại ngữ miễn phí, nhưng mỗi chương trình xúc tiến việc làm như vậy chỉ có vài chục học viên tham gia, số chịu đi đếm trên đầu ngón tay”, ông Nguyễn Văn Phát cho biết thêm.