Mặt đường hư hỏng, xuống cấp
Một trong những địa phương ở ĐBSCL chịu thiệt hại do mưa lớn, kết hợp triều cường kéo dài thời gian qua là tỉnh Cà Mau. Tại các tuyến đường chính ở TP Cà Mau như Nguyễn Trãi, Phan Ngọc Hiển, Ngô Quyền, Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo… do bị ngập dẫn đến mặt đường xuống cấp nhanh. Đường sá xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi chìm trong nước khiến không ít người tham gia giao thông “sập bẫy”, té ngã. Chị Nguyễn Thị Nguyên (ngụ phường 4, TP Cà Mau) than: “Tuyến đường Nguyễn Trãi đầy ổ gà thường xuyên bị ngập khiến người dân sợ. Cũng do bị ngập triền miên nên xuất hiện rong rêu, rất trơn, tôi từng té ngã 2 lần khi đưa đón con đi học qua tuyến đường này”.
Ở đường Hải Thượng Lãn Ông dẫn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau (phường 6, TP Cà Mau) cũng thường xuyên ngập, gây khó khăn trong việc đi lại và đưa rước bệnh nhân. Sở Y tế tỉnh Cà Mau kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục để người dân và phương tiện lưu thông dễ dàng, an toàn, nhất là đưa bệnh nhân cấp cứu. Tương tự, trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 63, đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi) cũng có nhiều đoạn hư hỏng nặng, mặt đường xuống cấp. Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau đề nghị Chi cục Quản lý đường bộ IV.6 sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn.
Còn tại Kiên Giang, nhiều tuyến đường như quốc lộ 80, quốc lộ 61, quốc lộ 63, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam… bị hư hỏng nghiêm trọng, nhiều nơi mặt đường bị bong tróc, làm nước thẩm thấu, xuống cấp nhanh. Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận nhìn nhận: “Đây là lần đầu tiên ở huyện có tình trạng hàng ngàn căn nhà, hàng chục điểm trường và rất nhiều tuyến đường bị ngập kéo dài bởi ảnh hưởng mưa dầm, kết hợp triều cường dâng cao trong thời gian qua. Đường sá bị ngập, xe tải lưu thông liên tục làm mặt đường hư nặng, khiến bà con đi lại gặp khó và nguy hiểm…”. Ở Vĩnh Long, sau thời gian mưa bão thì một số đoạn thuộc quốc lộ 1A, quốc lộ 54… bị bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà; những đoạn bị đọng nước khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng chất lượng công trình giao thông (Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long) Đinh Quang Huy cho biết, không riêng gì quốc lộ mà tại một số tuyến đường tỉnh và nội ô TP Vĩnh Long khi bị ngập, tràn nước cục bộ, sạt lở đất lề và xuất hiện nhiều ổ gà…
Tại Bạc Liêu, khu vực ven biển bị ngập sâu vào thời điểm triều cường dâng cao, những tuyến đường ở TP Bạc Liêu như Võ Thị Sáu, Trần Phú, Võ Văn Kiệt, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ... cũng bị ngập, mặt đường bị nham nhở, loang lổ.
Khẩn cấp khắc phục
Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Trần Ngô Minh Tuấn thừa nhận, do ảnh hưởng mưa bão, triều cường làm cho những tuyến quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng buộc phải sửa chữa. Riêng tuyến quốc lộ 30, Sở GTVT đang tiến hành thi công với chiều dài hơn 39km từ huyện Cao Lãnh đến thị xã Hồng Ngự. Đây là dự án xây dựng cơ bản, dự kiến năm 2021 hoàn thành. Đối với những nơi hư hỏng khác, các đơn vị thi công đã và đang lắp vá, thảm nhựa… Theo Phó Chi cục Quản lý đường bộ IV.4 (Cục Quản lý đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Hoàng Ngọc Hà, triều cường đã làm ảnh hưởng một số nơi ở tuyến quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Chi cục đã yêu cầu đơn vị bảo trì kiểm tra, xử lý.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vũ chia sẻ, đoạn quốc lộ 1A đi qua Tiền Giang thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, với gần 80 người tử vong. Qua xác minh, nhiều vụ tai nạn dẫn đến chết người là do vướng ổ gà, hoặc tránh né các điểm đọng nước. Trước tình hình trên, Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề nghị chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khắc phục, sửa chữa các điểm đọng nước, ổ gà.
Tại tỉnh Cà Mau, sở GTVT tỉnh cho rằng, năm nay hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn hư hỏng nghiêm trọng bởi tình trạng sụp lún, hạn hán, mưa bão, nước dâng. Qua tổng hợp ban đầu, ước tính thiệt hại trên 140 tỷ đồng ở các tuyến đường tỉnh và huyện. Trước thực trạng hạ tầng giao thông xuống cấp do bị ngập kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chỉ đạo Sở GTVT phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát, cắm biển cảnh báo ở những vị trí ổ gà, cống bị hư hỏng, để tránh xảy ra tai nạn; đánh giá thiệt hại và có giải pháp khắc phục nhanh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.