ĐBSCL: Cuối năm, lo cháy nổ cơ sở sản xuất, kinh doanh

Càng về cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương hàng hóa… càng hối hả. Theo phản ánh của bạn đọc, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vì nhiều lý do, không ít cơ sở, doanh nghiệp bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm nhiều lỗi về phòng cháy chữa cháy (PCCC), khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao.

Ngành chức năng tổ chức diễn tập PCCC và CNCH tại Long An. Ảnh: NGỌC PHÚC
Ngành chức năng tổ chức diễn tập PCCC và CNCH tại Long An. Ảnh: NGỌC PHÚC

Vi phạm tràn lan, kéo dài

Rạng sáng 11-11, tại chi nhánh Công ty CP Bảo vệ thực vật Việt Trung (KCN Đức Hòa I - Hạnh Phúc, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, Long An) xảy ra cháy lớn. Lửa phát ra ở 1 góc kho chứa nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật. Do trong kho có nhiều vật liệu dễ cháy nên lửa lan rất nhanh, phát ra nhiều tiếng nổ lớn. Sau 5 giờ nỗ lực dập lửa, lực lượng cảnh sát PCCC mới khống chế được đám cháy. Vụ cháy đã thiêu rụi hàng ngàn mét vuông nhà xưởng cùng nhiều nguyên liệu, hàng hóa, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Đây là một trong số nhiều vụ cháy cơ sở sản xuất xảy ra tại ĐBSCL mới đây, gây thiệt hại nặng về tài sản, uy hiếp mạng sống nhiều người.

Tại xã Long Định, huyện Cần Đước (Long An), Công ty TNHH Phương Q. Vina chuyên sản xuất bao bì, với tổng diện tích nhà máy, kho xưởng gần 40.000m2, bên trong chứa nhiều nguyên vật liệu dễ cháy nổ như: hóa chất, giấy, nhựa nguyên liệu… Thế nhưng, chủ doanh nghiệp này lại bất chấp quy định về an toàn cháy nổ, ngang nhiên đưa công trình vào khai thác khi chưa được cơ quan chức năng thẩm duyệt và nghiệm thu hệ thống PCCC. Ngoài ra, tại Long An, hàng loạt công ty sản xuất như Công ty TNHH xơ sợi An Th. (huyện Đức Hòa), chi nhánh Công ty TNHH B.I. (huyện Thủ Thừa), Công ty TNHH Thương mại sản xuất nhựa EPS Tín Th. (huyện Bến Lức)… cũng vi phạm các lỗi về PCCC. Tương tự, phường 6, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) hiện có 158 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc diện chính quyền quản lý. Trong đó, có 56 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hầu hết nằm sâu trong các hẻm nhỏ nhưng chủ cơ sở lại vô tư để vật dụng, hàng hóa tràn ra lối đi, cũng chính là lối thoát hiểm.

Không chỉ có các công ty, cơ sở sản xuất, tại nhiều chợ, cơ sở kinh doanh, nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao ở thời điểm cuối năm. Đơn cử, tại chợ truyền thống nằm trên đường Nguyễn Hữu Lễ (phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), nhiều tiểu thương ngang nhiên câu mắc điện thiếu an toàn, có trường hợp cắm dây điện trực tiếp vào ổ cắm điện (không đấu vào phích cắm). Còn tại chợ Rạch Giá (Kiên Giang), hầu hết tiểu thương không trang bị bình chữa cháy, một số trường hợp có trang bị thì lại cất dưới “núi” hàng hóa, khi có hỏa hoạn xảy ra không phát huy được tác dụng. Khi được hỏi vì sao không trang bị bình chữa cháy mini để đảm bảo an toàn, bà Hường (một tiểu thương ở chợ Rạch Giá) nói tỉnh bơ: “Mấy chú cứ lo chứ mấy khi cháy đâu. Với lại, ở đây nhiều chủ sạp không sắm bình chữa cháy, tôi không thấy công an, bảo vệ phạt gì”. Thực tế, chợ Mỹ Đức (huyện Châu Phú, An Giang) xảy ra cháy cách nay 2 tháng, 15 kiốt bị thiêu rụi, thế nhưng hiện tại chợ này vẫn tồn tại nhiều lỗi vi phạm về PCCC.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Tiếp nhận phản ánh của phóng viên Báo SGGP về các nguy cơ cháy tại chợ truyền thống trên đường Nguyễn Hữu Lễ (phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xác nhận có tồn tại trên. Ngoài khu chợ này, ông Nguyễn Thành Phương cho biết, trên địa bàn thành phố còn một số chợ tồn tại lỗi vi phạm PCCC, như chợ khóm 1 và khóm 9 (phường 6), chợ Hòa Thành… Đối với các chợ này, UBND TP Cà Mau đã có phương án di dời. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn PCCC, nhất là ở thời điểm cuối năm, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo lực lượng công an, cán bộ kinh tế - môi trường phối hợp với lực lượng ở phường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; bố trí nhân lực tại chỗ thường xuyên kiểm tra, giám sát nhắc nhở trường hợp vi phạm; yêu cầu trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy…

G1f.jpg
Hướng dẫn tiểu thương tại chợ truyền thống ở Long An sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: NGỌC PHÚC

Tại Bến Tre, Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, để đảm bảo an toàn cháy nổ tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là ở thời điểm cuối năm, công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với công an các huyện, thị, thành phố và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó lấy phòng làm chính. Theo đó, công an các địa phương đã lập 655 Tổ liên gia an toàn PCCC. Các tổ này sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, tập huấn kỹ năng chữa cháy, CNCH cho lực lượng chữa cháy tại chỗ và người dân. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, lực lượng công an tiếp tục tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát việc khắc phục các vi phạm, hạn chế thấp nhất cháy nổ xảy ra.

Tại Long An, Đại tá Lâm Minh Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Long An, cho biết, ngoài việc tập trung các giải pháp phòng ngừa (nâng cao ý thức phòng cháy, xử lý nghiêm vi phạm…), Công an tỉnh Long An tăng cường thực hiện các phương án thực tập, diễn tập PCCC, CNCH ở thời điểm cuối năm, nâng cao khả năng phối hợp tác chiến chữa cháy, cứu nạn, giảm thiểu hậu quả khi có cháy nổ xảy ra.

Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Theo đó, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tự kiểm tra công tác PCCC, kịp thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC, nhất là với các cơ sở sản xuất kinh doanh ở thời điểm cuối năm.

Tin cùng chuyên mục