Theo đó, khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư có các loại hình cảnh quan như: hệ sinh thái đất ngập nước; sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa; các loài chim nước, thủy sản và động vật hoang dã vùng đất ngập nước...
Rừng tràm Trà Sư là rừng đặc dụng, các loại hình du lịch sinh thái có thể thực hiện ở khu này gồm: tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng đẹp, yên bình, trong lành; khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước; trải nghiệm các phong tục, tập quán, nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực của cộng đồng địa phương.
Mục tiêu phát triển chính của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư phải theo cách tiếp cận hệ sinh thái, sử dụng một cách bền vững, khôn khéo tài nguyên đất ngập nước, trong khi vẫn duy trì được các chức năng, giá trị, đặc điểm của hệ sinh thái và tài nguyên đất ngập nước. Đặc biệt là rừng tràm, thủy sản, các loài chim nước và cảnh quan thiên nhiên. Việc sử dụng các tài nguyên này và việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ được giá trị thiên nhiên vô cùng quý giá bởi nét hoang sơ, nguyên vẹn.
Trong tổng diện tích 845ha của rừng tràm Trà Sư, hiện đã có 159ha đang cho Công ty cổ phần du lịch An Giang thuê môi trường rừng để khai thác du lịch sinh thái trong 20 năm. Phần diện tích 686ha còn lại có thể tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái khác.
UBND tỉnh An Giang cũng chỉ đạo trong giai đoạn năm 2021 - 2030 không cho thuê môi trường rừng và không tăng diện tích môi trường rừng đã cho thuê.
Như vậy, đến nay khu vực ĐBSCL có 4 khu du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng rừng ngập nước gồm: khu du lịch sinh thái Đất Mũi (Cà Mau); khu du lịch sinh thái Tràm Chim (Đồng Tháp); khu du lịch sinh thái U Minh Thượng (Kiên Giang) và khu du lịch sinh thái Trà Sư (An Giang).