Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Hai giống lúa OM 9577 và OM18 được các nhà chuyên môn thuộc Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011.
Đây là hai giống lúa có những phẩm chất nổi trội, phù hợp để canh tác trong cả 3 vụ, thích hợp trồng cả trong các vùng hạn, mặn, phù hợp để sản xuất gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Cả hai giống lúa mới đã được Bộ NN-PTNT công nhận vào năm 2017 và cho phép sản xuất thử tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Cụ thể, OM 9577 là giống lúa cao sản, ngắn ngày (khoảng 100-107 ngày), cho năng suất cao, có khả năng chống chịu rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá; có khả năng chống chịu mặn khoảng 4‰, tính thích nghi rộng và canh tác được các vụ trong năm. Giống OM 9577 có thể đưa vào cơ cấu canh tác để dần thay thế một số giống lúa đang trồng phổ biến tại những vùng nhiễm mặn. Đối với giống lúa OM18 có thể chống chịu mặn cao ở ngưỡng 3-4‰, chất lượng gạo tốt, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu; giống này kháng được sâu bệnh, cho năng suất cao và thời gian sinh trưởng ngắn…
Theo tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, vùng ĐBSCL hiện nay đang gặp đối mặt với xu hướng nhiễm mặn gia tăng, gây thiệt lớn đối với sản xuất lúa trong vùng (nhất là mùa hạn mặn năm 2016); ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất cũng như tính bền vững trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu gạo cũng đang đòi hỏi giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị tăng thêm và thu nhập cho nông dân.
Do đó, việc nghiên cứu, chọn tạo thành công 2 giống OM 9577 và OM18, đồng thời triển giao cho Tập đoàn Lộc Trời – một doanh nghiệp hàng đầu về phát triển mô hình cánh đồng lớn, cùng nông dân ra đồng… đưa vào sản xuất thực tế, nhân rộng, sẽ góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất khẩu gạo trong thời gian tới.