ĐBSCL: Chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế

ĐBSCL không còn quá câu nệ vào sản xuất lúa, mà đã có những bước chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, hoặc nuôi trồng thủy sản. Bước đầu, những chuyển đổi này mang lại hiệu quả kinh tế...
Chuyển đổi từ lúa, hoa màu sang trồng sả tại huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: NGỌC PHÚC
Chuyển đổi từ lúa, hoa màu sang trồng sả tại huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: NGỌC PHÚC

Tại vùng đầu nguồn thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, hàng chục nhà vườn đang vui mừng vì trúng mùa, trúng giá. Đơn cử, anh Chín Tươi (xã Vĩnh Xương) vừa thu hoạch 3,2ha xoài cát Hòa Lộc, thu về gần 100 triệu đồng. “Diện tích trồng xoài hiện nay vốn là đất lúa trũng thấp, sản xuất lúa rất khó, năng suất không cao. Nhờ địa phương đầu tư làm bờ bao nên nông dân chuyển sang trồng xoài, thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa”, anh Chín Tươi cho biết. 

Theo Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ, địa phương có gần 700ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng xoài, tập trung ở 2 xã  Vĩnh Xương, Phú Lộc (giáp với Campuchia). Địa phương đang tập trung hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để hình thành vùng sản xuất xoài lớn, xuất khẩu.   

Tại Tiền Giang, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn, cũng đã cho thu nhập tăng lên đáng kể. Điển hình là việc chuyển đổi sang trồng sả ở huyện Tân Phú Đông đã giúp người dân sống trên vùng đất phèn, hạn, mặn “đổi đời”. Tổng diện tích trồng sả toàn huyện hiện gần 4.000ha. Ông Đoàn Minh Hương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, cho biết, hiện nay địa phương có chủ trương giảm dần diện tích lúa, chỉ còn 1 vụ đông xuân (thay vì 2 vụ như trước đây), tăng diện tích hoa màu theo tiêu chuẩn VietGap để giúp người dân có thu nhập cao hơn. 

Tại Bến Tre, trong năm 2022, gần 300ha đất lúa đã được chuyển sang trồng hoa màu, trồng cỏ làm thức ăn gia súc. Theo đánh giá của ngành chức năng, 1ha trồng cỏ có thể đủ nuôi khoảng 20 con bò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 240-270 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với trồng lúa. 

Mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp tại Kiên Giang đang phát triển nhanh. Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả, hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới, được chuyển sang mô hình tôm - lúa, nuôi tôm quảng canh, cho thu nhập bình quân đạt 100-130 triệu đồng/ha…

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, qua 5 năm thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu, sản xuất, nông nghiệp địa phương đã có bước tăng trưởng. Thời gian tới, Kiên Giang sẽ đặc biệt chú trọng tới nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu. 

Thực tế, vùng bán đảo Cà Mau đã chuyển đổi vùng chuyên canh lúa sang mô hình sản xuất lúa - tôm mang lại hiệu quả rất cao và bền vững. Mô hình tôm - lúa hữu cơ ở vùng U Minh Thượng, An Minh, An Biên (Kiên Giang) thậm chí giá trị tăng gấp 4-5 lần so với sản xuất 2 vụ lúa. Kiên Giang dự kiến sẽ tiếp tục chuyển đổi sản xuất tôm - lúa đối với các vùng ven biển như các huyện Kiên Lương, Hòn Đất và các vùng còn lại của huyện An Minh, An Biên… 

Tại Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa cho thu nhập tăng từ 30% so với độc canh cây lúa. Thậm chí trước đây có nông hộ chỉ thu nhập 50 triệu đồng/ha lúa/năm thì với mô hình lúa tôm đã mang tới thu nhập 130 triệu đồng/ha/năm.

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa của ĐBSCL đạt trên 73.000ha. Bộ NN-PTNT yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương vùng ĐBSCL cần hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất trồng lúa; hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi của các vùng chuyển đổi; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa…


Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, quy hoạch 3,5 triệu ha đất trồng lúa hiện nay là linh hoạt sử dụng. Quan trọng là địa phương chuyển đổi mang lại hiệu quả ra sao. Khi chuyển đổi, các địa phương nên quan tâm đến giá trị tích hợp là giá trị trên cùng một diện tích, một không gian địa lý, tạo ra giá trị cao hơn. 

Tin cùng chuyên mục