Ngày 19-6, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Theo đó, ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khẩn trương triển khai xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua ở địa phương mình.
* Tại Long An, phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được bắt đầu triển khai, thực hiện từ tháng 9. Theo đó, nhiều đơn vị, tổ chức và Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Long An cũng đã phát động phong trào thi đua.
Tại huyện biên giới Vĩnh Hưng, các đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) huyện đã ký kết thi đua thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển KT-XH vùng biên giới giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng, các cơ quan, địa phương và cán bộ, chiến sĩ đang nỗ lực chung tay góp sức thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Long An tập trung vào 5 nội dung gồm: huy động, vận động các nguồn lực của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, toàn dân thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; thi đua xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; thi đua xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm an toàn, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai; thi đua sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực; thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Đặng Ngọc Tảo, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Long An cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn 372 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở nằm trong diện thụ hưởng của phong trào thi đua. Kinh phí cần hỗ trợ để xây mới và cải tạo nhà ở ước gần 19 tỷ đồng.
* Tại Tiền Giang, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gò Công Tây cũng vừa xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn huyện.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Gò Công Tây Võ Ngọc Hòa, huyện Gò Công Tây là huyện nông nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, một số hộ gia đình cất nhà tạm sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, không an toàn. Đến nay, toàn huyện còn 21 đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ.
Chính quyền địa phương huyện cũng vừa phân bổ kinh phí để hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà đại đoàn kết (mỗi căn 50 triệu đồng) từ các nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo của huyện Gò Công Tây. Hiện, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đang nỗ lực vận động và xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo còn lại.
* Tại Bến Tre, Tỉnh ủy Bến Tre cũng đã tổ chức phát động phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, cần tập trung thi đua vận động, huy động các nguồn lực, sự đóng góp của toàn xã hội về vật chất, tinh thần giúp các hộ nghèo trong việc cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách...
Toàn tỉnh Bến Tre còn khoảng 695 hộ gia đình chính sách, 1.658 hộ nghèo, 1.199 hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ làm mới và sửa chữa.
* Tại Đồng Tháp, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cũng đã tổ chức Lễ phát động Chương trình “Xóa nhà tạm” trên địa bàn tỉnh. Chương trình này được triển khai nhằm cụ thể hoá phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, thông tin rộng rãi, kêu gọi các lực lượng xã hội cùng tham gia chương trình; rà soát đối tượng thụ hưởng tránh trùng lắp, sai sót trong hỗ trợ xây dựng nhà; đảm bảo công khai, minh bạch trong tiếp nhận và triển khai hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ việc xây dựng nhà; đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp kêu gọi tất cả nhân dân Đồng Tháp, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bằng điều kiện, tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng xã hội cùng chung tay, góp sức thực hiện chương trình, vì mục tiêu chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Toàn tỉnh có khoảng 2.524 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang khó khăn về nhà ở, cần được hỗ trợ xây dựng mới. Chương trình “Xóa nhà tạm” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến tháng 9-2025 sẽ xây mới 2.000 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.