Theo ông Đảnh, hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng số 3.806 tàu đăng ký hoạt động, với tổng 20.046 thuyền viên. Trong đó, tàu hoạt động vùng khơi là 2.084 tàu, hoạt động chủ yếu ở vùng biển Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.
Sau khi phát thông tin báo bão, hiện đã có 1.345 tàu vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, mất tín hiệu 149 tàu.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre và Chi cục Thủy sản tỉnh đang tiếp tục thông tin cho tàu thuyền trên biển và chủ tàu để thông báo tình hình diễn biến, vị trí, hướng đi của cơn bão RAI để chủ động phòng tránh.
* Tại Tiền Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão RAI duy trì trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cứu nạn cứu hộ, rà soát phương án phòng chống bão và giảm nhẹ thiên tai, cũng như tăng cường tuyên truyền, cập nhật diễn biến bão và triều cường đến tận hộ dân để người dân biết và chủ động ứng phó.
Theo đó, tỉnh đã kêu gọi 967 phương tiện với hơn 6.600 ngư dân vào bờ tránh bão. Hiện còn 486 phương tiện với 3.592 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó có 105 phương tiện với 345 ngư dân đánh bắt ven bờ, số còn lại đang hoạt động trên vùng biển Nam Côn Sơn, khu vực ngư trường Cà Mau - Kiên Giang, Bình Thuận - Cà Mau.
Hiện, các ngành chức năng của tỉnh đã liên lạc với tất cả các phương tiện trên, hướng dẫn vào bờ trú bão hoặc áp dụng các biện pháp ứng phó bão phù hợp, an toàn.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang triển khai các phương án ứng phó bão và triều cường, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản người dân nhất là đối với các địa phương ven biển như huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông.
Ngoài ra, Chi cục thủy sản phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên liên lạc, cập nhật kịp thời diễn biến bão RAI, đường đi, tốc độ, hướng di chuyển của bão và khuyến cáo các biện pháp ứng phó phù hợp... đến các phương tiện và ngư dân đang hoạt động trên biển.
* Chiều 17-12, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho hay, hiện tại địa phương còn 3.172 tàu đang đánh bắt ven bờ biển Tây Nam, với 15.800 thuyền viên. Ngoài ra, Kiên Giang còn 1.875 tàu đánh bắt xa bờ đang hoạt động (chiếm 50% số tàu đánh bắt xa bờ của cả tỉnh) đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo đầy đủ về cường độ, hướng di chuyển của bão RAI. Các tàu đánh bắt xa bờ vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với cơ quan quản lý thiết bị định vị tàu cá, nhiều tàu đã bắt đầu di chuyển về phía bờ hoặc tìm nơi tránh trú bão an toàn.
* Tương tự, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Trà Vinh cũng đã phát đi thông báo cho 1.216 tàu đang hoạt động ở ngoài khơi, để chủ tàu kịp thời nắm thông tin để tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ.
* Chiều 17-12, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão sắp vào biển Đông.
Theo đó, các địa phương tập trung vận động những người canh giữ đáy hàng khơi vào bờ tránh trú an toàn; hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh thiệt hại do mưa bão kết hợp triều cường gây ra; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị đọng, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cùng với đó, các địa phương phân công lực lượng nắm từng địa bàn các xã, các khu dân cư ven biển, các cửa biển, rà soát lại số lượng nhà thực tế cần phải chằng chống, để hướng dẫn các hộ dân thực hiện ngay việc chằng chống nhà ở; nhất là an toàn đối với lồng bè nuôi thủy sản tại Hòn Chuối và các cửa biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cũng đang nắm rõ tất cả các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển; tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.