Cụ thể, 3 điểm sạt lở mới gồm: đoạn từ khu vực T25 - T29, dài 1.000m; đoạn từ khu vực T29 - Khánh Hội, dài 500m và đoạn bờ Bắc vàm Lung Ranh dài khoảng 200m. Đa phần các đoạn này phía bên ngoài không có kè kiên cố, nên sóng đã đánh mạnh vào thân đê, một số vạt rừng cây bị bật gốc. Nhiều ngày qua, sóng to uy hiếp, áp sát chân đê, nguy cơ vỡ 3 đoạn đê này rất lớn.
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị chức năng bố trí lực lượng đê điều thường xuyên túc trực tại 2 đoạn T25 - T29 và đoạn T25 - Khánh Hội, nếu diễn biến xấu thì đề xuất phương án hộ đê khẩn cấp trước mùa mưa bão năm nay. Riêng đoạn bờ Bắc vàm Lung Ranh, trước mắt các đơn vị gia cố thêm đá để hạn chế sóng biển đánh vào bờ.
Tại An Giang, vừa xảy ra sạt lở ở bờ Bắc kênh Cái Sắn (khóm Thới Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên), với chiều dài khoảng 10m, rộng 2m, ảnh hưởng giao thông trên địa bàn. Nguyên nhân xảy ra sạt lở do đoạn sông này cong, nước xoáy mạnh, cùng tác động của nhiều phương tiện giao thông…
Hiện Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang và chính quyền địa phương tiến hành cắm biển báo khu vực nguy hiểm, làm rào chắn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời áp dụng giảm tải về giao thông.
Trước đó, gần cầu Xà Mách, bờ rạch Ông Chưởng (thuộc tỉnh lộ 946, đoạn qua huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 50m và sâu vào đường 2m, khiến sụp phần nền đường; có nguy cơ lan rộng thêm.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giang đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở khu vực này. UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT tiến hành khoanh vùng khu vực nguy cơ sạt lở, cắm biển báo phạm vi sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn, theo dõi diễn biến tình hình. Chính quyền địa phương nhanh chóng di dời tài sản ra khỏi nơi ảnh hưởng sạt lở, có phương án bảo vệ an toàn tính mạng người dân.