Quang cảnh hội nghị |
Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện các cơ quan nhà nước, lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế và thu hút đầu tư của khu vực phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của cả nước, ĐBSCL đã và đang cho thấy được những bước phát triển ổn định, bền vững, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung trong nền kinh tế cả nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tại ĐBSCL đã có những nỗ lực rất lớn, thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khẳng định vị thế là “huyết mạch giao thương” của khu vực phía Nam. Bước sang năm 2023, với nhiều biến động lớn từ bối cảnh toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tại ĐBSCL nói riêng đang gặp phải nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu truyền thống liên tục hoãn, hủy đơn hàng; tỷ lệ đầu tư cũng chưa có nhiều bứt phá. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng về mặt kinh tế mà ở góc độ pháp lý còn gây ra nhiều rủi ro, làm tăng khả năng phát sinh tranh chấp.
Thống kê của VIAC, tỷ lệ tranh chấp liên quan đến hợp đồng ngoại thương, đầu tư có xu hướng tăng trong những năm gần đây; trong đó, tỷ lệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm gần 30%. Điều này cho thấy, quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp/nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều bất cập, trở ngại.
Với những tồn tại trên, việc trang bị, hỗ trợ cho doanh nghiệp những thông tin, công cụ cần thiết để phòng tránh rủi ro, ngăn ngừa tranh chấp là điều rất cần thiết và cần được đầu tư đúng mực.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã thảo luận, trao đổi thông tin về các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư hiện đại và bền vững tại khu vực ĐBSCL. Các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá thực tiễn về điều kiện cũng như khung pháp lý về đầu tư đặt trong bối cảnh vùng.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ đã chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư tại ĐBSCL. Gần đây, ĐBSCL đặc biệt chú trọng những lợi thế của vùng như thế mạnh về thiên nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào. Song, theo ông Nguyễn Phương Lam, ĐBSCL cần có những chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có. Theo các báo cáo mới đây của VCCI chi nhánh Cần Thơ, tính đến quý II/2023, tỉnh Long An và TP Cần Thơ hiện đang là các địa phương dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư lớn. ĐBSCL đang có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch - đây được đánh giá là ngành công nghiệp tiềm năng, nếu vùng có thể phát triển được thì sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho khu vực nói riêng và cả Việt Nam nói chung.
Cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều có chung quan điểm rằng các doanh nghiệp này đều rất quan tâm đến phát triển hoạt động kinh doanh tại ĐBSCL. Họ cho biết doanh nghiệp có xu hướng ưu ái đầu tư những địa phương có tiềm năng nằm gần TPHCM, đặc biệt là các địa phương có quỹ đất dồi dào, thiên nhiên thuận lợi,... Theo đại diện nhà đầu tư trong và ngoài nước, ĐBSCL đáp ứng yêu cầu, xứng đáng là điểm đến đầy hứa hẹn của nhà đầu tư.
Tuy vậy, phía doanh nghiệp cũng đề cập đến các vấn đề còn tồn tại - nổi cộm nhất liên quan đến hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đến các tỉnh trong khu vực ĐBSCL chưa đồng bộ và thiếu tính liên kết, tình trạng không ổn định về hạ tầng. Ngoài cơ sở hạ tầng, một vấn đề cố hữu khác của khu vực và của cả nước liên quan đến khung khổ pháp lý, quy trình thủ tục để nhà đầu tư an toàn hoạt động.
Cảng Hậu Giang tiếp nhận tàu tải trọng 20.000 tấn vào xếp dỡ hàng hoá |
Đánh giá từ góc độ Tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TPHCM nhìn nhận, ĐBSCL hiện đang có tiềm năng và độ hấp dẫn về các lĩnh vực như du lịch, hạ tầng đô thị, bất động sản và năng lượng. Tuy nhiên, năng lực và tình hình đầu tư cho các lĩnh vực trên chưa tương xứng với khả năng của vùng. Các địa phương cần phải chủ động khắc phục yếu điểm trên. Từ đây, yêu cầu các địa phương không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách mà cần tăng cường kêu gọi xã hội hóa, gia tăng độ tham gia của doanh nghiệp địa phương vào phát triển vùng, cải thiện sự hấp dẫn của khu vực để thu hút đầu tư quốc tế. Bởi lẽ chỉ khi các vấn đề về cơ sở hạ tầng được giải quyết, giao thương mới có thể thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể phát triển mạnh mẽ đúng với tiềm năng kỳ vọng.
Theo PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam, hằng năm, nhu cầu vận tải hàng hoá xuất khẩu của vùng lên đến vài chục triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hiện nay là không tương xứng với những tiềm năng mà khu vực này đang sở hữu.
Cụ thể, các tỉnh thành trong khu vực đều đang phụ thuộc vào các cảng biển tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có kho lạnh thương mại (Long An, Hậu Giang và TP Cần Thơ). Chi phí logistics quá cao đã trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Các địa phương cần có sự quan tâm nghiêm túc để phát triển trung tâm logistics nội vùng.
Để "khơi thông" dòng chảy logistics, các địa phương cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, kho bãi, tối ưu hóa các phương án logistics để giảm chi phí, hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp cần chủ động tạo liên kết phối hợp linh hoạt, hình thành mạng lưới để cùng nhau phát triển theo hướng bền vững, liên kết chuỗi cung ứng.