Chiều 7-1, Quốc hội đã thảo luận đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Đồng thời đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Quốc hội họp chiều 7-1-2023. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khẳng định Nghị quyết 30/2021/QH15 là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ, đã tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ban hành các quyết định quan trọng, giải pháp sáng tạo, giúp công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả; huy động được nhiều lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch tại giai đoạn cao điểm.
Trong bối cảnh dịch vẫn có nguy cơ hiện hữu, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ thống nhất hoàn toàn tất cả các kiến nghị của Chính phủ. Đồng thời lưu ý thêm cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch. Trong đó, việc thanh toán chi phí phòng chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 cần được quy định trong dự thảo nghị quyết yêu cầu các thủ tục phải đơn giản, rút gọn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC |
“Việc chậm thanh toán cho các chiến sĩ, cho các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
ĐB cũng cho rằng nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng chống các dịch bệnh…
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cũng kiến nghị Quốc hội cần giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, UBND tỉnh thành tiếp tục phân tích, làm rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đặc biệt là trong công tác thanh, quyết toán trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổng kết thực tiễn để nâng các nội dung quy định Nghị quyết 30 lên thành luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình thực hiện xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC |
Là người công tác trong ngành y tế, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân chậm thanh toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. ĐB cũng đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong ngoại giao vaccine, tuy nhiên, Việt Nam cần phải tự sản xuất vaccine riêng.
Cũng theo ĐB, thời gian qua, chúng ta đặt vai trò sản xuất vaccine lên vai các công ty tư nhân. Mặc dù các công ty tư nhân có kinh phí nhưng về đội ngũ nhân lực có tri thức, trí tuệ cao và trình độ khoa học thì chưa hội đủ. Vì vậy, để có thể sản xuất vaccine thì cần hội đủ tri thức của các nhà khoa học ở các đơn vị sản xuất vaccine có thời gian thành lập và phát triển từ 15 năm đến 40 năm và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới. Chính phủ cần chỉ đạo để sớm tổ chức một hệ thống sản xuất vaccine một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước trong những cái đợt dịch khác.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC |
Giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, 3 năm qua, ngành y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có, kể cả trong và sau đại dịch. Trong bối cảnh đó với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 từ đó giúp cho ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau dịch.
Về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như thế này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.Thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và sửa đổi thông tư về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.
Liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc trong gia hạn thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết vấn đề này sẽ giải quyết triệt để trong Luật Dược (sửa đổi).
Trong chiều 7-1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, việc này sẽ không làm thay đổi thời gian dự kiến diễn ra kỳ họp.
Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung nội dung sau vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 (quyết định của Quốc hội về nội dung này sẽ được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan).