Quy hoạch Sơn Trà: Từ 1.600 phòng sẽ giảm tối đa, giảm còn bao nhiêu sẽ tính!
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn: Quy hoạch Sơn Trà đã đúng quy trình chưa, dựa vào đâu để đưa ra quy mô 1.600 phòng. Xử lý những dự án đã cấp phép trên bán đảo Sơn Trà ra sao?
Bộ trưởng cho biết: Đó là vấn đề nóng mà thời gian qua xã hội rất quan tâm. Dựa trên những văn bản của Chính phủ, Bộ VH-TT & DL đã tiến hành lập quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Trong quá trình lập quy hoạch, bộ đã phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng, lấy ý kiến 11 bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Quốc phòng, UBND TP Đà Nẵng; đã trình Hội đồng thẩm định phê duyệt. Quy hoạch được lập đúng quy trình, tuân thủ các căn cứ pháp lý. Mục tiêu phát triển Sơn Trà là khu du lịch sinh thái, tâm linh, bảo đảm an ninh quốc gia…
Trước khi có quy hoạch, Đà Nẵng đã chấp thuận đầu tư cho 25 dự án tại bán đảo này, trong đó có 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong số 18 dự án có 11 dự án đã được phê duyệt đầu tư với quy mô 5.049 phòng lưu trú. “Tức là trước khi làm quy hoạch thì Đà Nẵng đã cấp phép, nhưng khi làm quy hoạch thì chúng tôi yêu cầu phải giảm xuống 1.600 phòng”, Bộ trưởng cho biết.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, vừa qua có ý kiến của công luận và chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề này, bộ đã rất nghiêm túc tiếp thu. “Tôi là Bộ trưởng, tôi luôn trăn trở điều này. Tôi cũng đã từng thấm thía với dự án đồi Vọng Cảnh ở Huế, vì thế chúng tôi luôn tâm niệm là mình phải tiếp thu ý kiến xã hội như thế nào. Chúng tôi luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, kể cả sau khi xảy ra vụ việc không hay ở Tổng Cục du lịch vừa qua liên quan đến vụ việc này”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phải phát triển Sơn Trà bền vững, có trách nhiệm, sẽ giảm tối đa phòng khách sạn trong quy hoạch, từ 1.600 phòng sẽ giảm tối đa xuống, giảm còn bao nhiêu thì sẽ tính, nhưng tinh thần là ưu tiên mục tiêu bảo tồn, bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân.
Xử lý các dự án đã cấp phép như thế nào thì sẽ do UBND TP Đà Nẵng xử lý, Bộ sẽ phối hợp để bảo đảm mục tiêu phát triển Sơn Trà.
Giải trình thêm về vấn đề quy hoạch Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, quy hoạch du lịch quốc gia phải bảo đảm có diện tích từ 1.000 ha trở lên, thu hút được 1 triệu khách lưu trú, do Thủ tướng ký phê duyệt.
Quy hoạch Sơn Trà ngay sau khi công bố đã có ý kiến của dư luận. Thủ tướng đã chỉ đạo phải tiếp thu ý kiến một cách cầu thị và công khai. “Tôi đã trực tiếp đi để xem những gì đang xây dựng, sẽ xây dựng, quy hoạch. Đã gặp trực tiếp kiến trúc sư vẽ quy hoạch. Đã cho dừng quy hoạch lại. Tức là trên thực tế, quy hoạch chưa được triển khai”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trước khi có quy hoạch Sơn Trà thì Đà Nẵng đã chấp thuận nhiều dự án, với hơn 5.000 phòng lưu trú. Vì thế, từ Tiên Sa Đà Nẵng hay bất cứ dự án nào nếu có vi phạm đều bị xử lý. Con số 1.600 phòng không phải là duy ý chí mà là tính toán dựa trên mô hình phát triển du lịch. Quy hoạch xác định 1.600 phòng là con số thấp nhất, tính đến cho quy hoạch 2030.
Khi công luận phản ứng thì Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng có ý kiến. Đà Nẵng đã báo cáo không đồng ý kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng là giữ nguyên Sơn Trà. Quan điểm của Chính phủ là phải phát triển bền vững, khai thác để phát triển, khi các yếu tố để phát triển bền vững chưa đáp ứng được thì “để đó chưa làm, sau này mới tính tiếp”. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bảo tồn nhưng không phải cực đoan, thế giới họ vẫn khai thác một cách phù hợp, kể cả khai thác những khu bảo tồn động vật hoang dã.
“Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng để thống nhất lại mọi vấn đề, nếu sau khi rà soát mà đề nghị giảm quy mô số phòng xuống thì Chính phủ cũng đồng ý; giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà Chính phủ cũng đồng ý; hoặc nếu thấy cần thiết phải rút Sơn Trà ra khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng đồng ý. Mục tiêu của chúng ta là phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ làm quy hoạch rất chặt chẽ, không ẩu như nhiều ý kiến suy diễn.
Đã giảm bớt lễ hội phản cảm
Trả lời chất vấn của ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) và một số ĐB về những pháp khắc phục mặt trái của lễ hội (tổ chức lễ hội quá nhiều, nhiều lễ hội có dấu hiệu trục lợi, bỏ bê công việc đi lễ)... Bộ trưởng cho rằng, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội. Trong đó, lễ hội dân gian có hơn 7.000, chiếm 88,36%; lễ hội lịch sử, cách mạng là 332 lễ hội, chiếm 4,16%; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có 11, bằng 0,12%... “Vừa qua chúng ta đã giảm bớt một số lễ hội phản cảm như ở Bắc Ninh, Phó Thọ... Chúng tôi tiếp tục có những giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực lễ hội”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, gần 8.000 lễ hội thì không nhiều nếu có tính chất tốt đẹp, thấm đẫm văn hóa dân gian. “Nhưng sẽ là nhiều nếu đó là lễ hội phản cảm. Chúng tôi sẽ có quy hoạch về lễ hội”, ông Thiện nói.
ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chất vấn về tình trạng biểu diễn nghệ thuật có nhiều hiện tượng phản cảm vừa qua. Bộ trưởng thừa nhận, có nhiều hiện tượng phản cảm, nhất là về trang phục, biểu cảm biểu diễn. “Giải pháp mà bộ đưa ra là xử phạt thật nặng để bảo đảm tính răn đe, cùng với đó tăng cường công tác giáo dục ý thức cho các nghệ sĩ, ca sĩ”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Về vấn đề bản quyền tác phẩm âm nhạc, Bộ trưởng cho biết theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, người sử dụng tác phẩm vì mục đích thương mại thì phải trả tiền. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng công nghiệp văn hóa. Việc thu phí vừa rồi là có cơ sở, tuy nhiên cách thức thu là có vấn đề (thẩm quyền thu, thủ tục, cách thu, mức thu...). Vì vậy, tới đây bộ sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này và báo cáo Quốc hội.
ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) tranh luận cho rằng nếu chỉ phát triển nghệ thuật dân gian ở Nhà hát Lớn thì không hiệu quả, hiện hay người dân phát triển du lịch tự phát, biểu diễn cho du khách thưởng thức nghệ thuật truyền thống nhưng lại làm lệch lạc, phản cảm. Nếu để như thế, giá trị nghệ thuật truyền thống sẽ càng ngày bị hủy hoại, mai một, tam sao thất bản.
Trả lời tranh luận này, Bộ trưởng cho biết, vì không có thời gian nên chưa nói rõ hết những giải pháp mà ngành văn hóa đang nỗ lực để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống. Bộ sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ để có những đầu tư thích đáng cho việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận rằng, Bộ trưởng nói Cục Nghệ thuật biểu diễn không có văn bản hành chính nào để cấp phép tác phẩm, chỉ là cập nhật lên trang web và bị sai sót khiến dư luận hiểu nhầm là không chính xác. Bộ trưởng muốn trả lời trực tiếp cho ĐB nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị có thể trả lời bằng văn bản.
Sai sót do cán bộ thiếu năng lực
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của lĩnh vực quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng. Trong đó có những yếu kém của đội ngũ cán bộ, nhưng giải pháp lại chưa nêu việc thanh lọc, chấn chỉnh đội ngũ này.
Về vấn đề này, ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chất vấn Bộ trưởng xung quanh vấn đề cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những vụ việc vừa qua xảy ra ở Cục Nghệ thuật biểu diễn (cấm các bài hát lưu hành rồi lại cấm phép trở lại: cấp phép Tiến quân ca...) chủ yếu do năng lực cán bộ, nếu cán bộ có năng lực tốt thì không xảy ra những việc như vậy. Như việc cập nhật 342 bài hát lên trang web có những sai sót không đáng có về nghiệp vụ. “Không yêu cầu cập nhật thì anh cập nhật, lại cập nhật vào mục được cấp phép, tức là sai sót rất sơ đẳng”- Bộ trưởng nói. Những sai sót ở Tổng cục du lịch cũng tương tự... “Chúng tôi nhận trách nhiệm về những sự việc này và đã tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Bộ sẽ có những giải pháp để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, thanh lọc, kể cả việc điều chuyển cán bộ” - Bộ trưởng nói.
Vấn nạn hướng dẫn viên du lịch "chui"
Cả nước có gần 19.000 HDV du lịch, đủ để phục vụ du khách nhưng lại mất cân đối với những ngôn ngữ hiếm, dẫn đến thừa - thiếu cục bộ, làm nở rộ HDV du lịch "chui" vào mùa cao điểm. Vì vậy, giải pháp tới đây của ngành là tăng cường việc cấp thẻ cho HDV, xử phạt nghiêm những HDV "chui", tăng cường thanh tra, kiểm soát hoạt động của lực lượng HDV.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng, các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện đang hoạt động khá èo uột, Bộ trưởng cũng thừa nhận tình trạng này. Rất ít người xem tuồng, chèo, cải lương.. Ngành văn hóa vừa qua đã nỗ lực để quảng bá, ưu tiên cho loài hình nghệ thuật này, tuy nhiên tương lai chưa mấy sáng sủa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận công tác quản lý của ngành về văn hóa nghệ thuật, du lịch, lễ hội.. còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân.
Về những sự việc xảy ra tại Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa qua (đặc biệt là việc cấp phép cho tác phẩm Tiến quân ca), Bộ trưởng thừa nhận đây là bài học quản lý sâu sắc. “Là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu về những sự việc vừa qua của Cục Nghệ thuật biểu diễn”.
Đồng thời Bộ trưởng cho biết, đang tiếp tục có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên.