Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 14-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về giá đất, ĐB Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) tán thành với quy định của dự thảo Luật Đất đai bỏ quy định khung giá đất chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường và đánh giá đây là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử.
Tuy nhiên, ĐB cũng đề nghị cần quy định cơ chế hoạt động độc lập của hội đồng thẩm định giá đất và các thành viên của hội đồng thẩm định; tăng tỷ lệ thành viên hội đồng thẩm định giá đất là các chuyên gia tư vấn độc lập. Đề nghị bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong định giá đất.
Cùng với đó, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai chính xác đầy đủ nội dung này.
Đáng chú ý, một số ĐB tranh luận về quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Trước đó, sáng 14-11, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, góp ý vào quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đề nghị cần cân nhắc đối với sửa đổi này.
ĐB cho rằng, pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Luật hiện hành quy định ngoài tòa án nhân dân thì có chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết.
Đây là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai, cho nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.
Theo ĐB Thủy, pháp luật hiện hành đang giao cho hai cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là tòa án nhân dân và UBND. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm được sự lựa chọn cơ quan giải quyết việc tranh chấp của mình. Nhưng, thực tế, cơ chế giải quyết thông qua UBND thì thủ tục thường đơn giản hơn và người dân lại không phải nộp lệ phí.
Do đó, ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị tiếp tục giữ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của chủ tịch UBND như quy định của pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho người dân và có thêm sự lựa chọn về cơ chế giải quyết tranh chấp của mình.
"Sửa luật cần căn cứ trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn, nhưng trong các tài liệu hồ sơ dự án luật không có thông tin lý do tại sao bỏ thẩm quyền tranh chấp đất đai của UBND. Nếu bỏ thẩm quyền của UBND sẽ thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và ưu việt riêng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu.
Chiều 14-11, tranh luận lại, ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai không phải là việc của cơ quan hành chính, mà thuộc cơ quan tư pháp: cơ quan xét xử, tòa án, trọng tài.
Theo ĐB, việc giải quyết tranh chấp của UBND các cấp là không lớn và không cần thiết. Cần bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND các cấp, giao hết công tác này cho cơ quan tư pháp, cơ quan xét xử. Quy định giao việc giải quyết tranh chấp đất đai về đầu mối tòa án là đúng theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Đáng chú ý, ĐB Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cho rằng, trong những ngày qua trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu nhắc nhiều đến việc viên chức, công chức ngành y tế, giáo dục có sự dịch chuyển. Thực tế thì công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường cũng có một tỷ lệ dịch chuyển lớn.
“Người xin nghỉ việc, người chủ động xin chuyển công tác hoặc chuyển vị trí công tác, kể cả người đã nghỉ để chuyển công tác hay những người còn lại thì cũng đều có một nỗi băn khoăn, đó là nhiều khi không biết hồ sơ mình đang xử lý có sai sót gì hay không, hay là vài năm nữa thì mới phát hiện sai sót. Đây là một áp lực pháp lý rất lớn mà cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên môi trường đang phải chịu”, ĐB nói.
Từ đó, ĐB Lê Đào An Xuân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai, đảm bảo không kiềm chế sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như không mất thêm cán bộ.