Chiều 29-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Về luật đặc xá, ĐB Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm đặc xá, trong đó tập trung vào ba thời điểm là nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn, trường hợp đặc biệt. Từ phân tích thực tế, 7 năm qua chúng ta tiến hành đặc xá ở những thời điểm khác nhau, chủ yếu là đặc xá vào dịp Quốc khánh, bình quân 1,5 năm thì có 1 đợt đặc xá...
ĐB Ngô Minh Châu đề nghị 3-5 năm thì đặc xá 1 lần vào dịp Quốc khánh để không lẫn lộn với quyết định của tòa án về tha tù trước thời hạn. Đồng thời, để người được đặc xá thấy rõ ý nghĩa khoan hồng của Nhà nước. Nếu đặc xá mà nhiều quá, mỗi lần cả chục ngàn người thì ý nghĩa đặc xá không còn. Vì thế, đề nghị thu gọn đối tượng đặc xá.
“Không phải là đặc xá nhiều hay ít mà chúng ta chọn đúng người để hưởng sự khoan hồng, rõ ý nghĩa là những người thực sự đủ điều kiện, khi trở về cộng đồng thực sự tái hòa nhập tốt, khuyến khích được những người đang chấp hành án phấn đấu để được đặc xá vào dịp tiếp theo”, ĐB Ngô Minh Châu nêu.
Trong khi đó, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng, quy định về đặc xá còn dễ dãi, áp dụng chưa chặt chẽ, vì thế tán thành cần thiết sửa luật đặc xá.
Các ĐBQH đề nghị việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới và chỉ quy định đặc xá đối với một số trường hợp đặc biệt quy định rõ ngay trong dự thảo Luật. Việc sửa đổi Luật Đặc xá phải dựa trên nguyên tắc coi đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù. Do đó, các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt của đặc xá phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá. Nếu không phân định được rành mạch tính chất đặc trưng này của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác thì sẽ không khắc phục được hạn chế về số lượng người đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua.
Đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác, các đại biểu thống nhất do Chủ tịch nước quyết định và người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, các điều kiện trong đặc xá phải quy định theo hướng là “chỉ Chủ tịch nước có quyền quyết định”.
Tán thành cao việc xây dựng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Khác với việc còn nhiều băn khoăn khi thành lập lực lượng kiểm ngư, về Dự án Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, hầu hết các ĐBQH tán thành cao việc ban hành Luật Cảnh sát biển, nhất là trong bối cảnh biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay. Luật ra đời sẽ hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Luật CSB cũng làm rõ hơn về vị trí nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển; khẳng định rõ hơn về chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.
Theo ĐB Ngô Minh Châu (TPHCM), CSB tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, chủ quyền trên biển Đông. CSB cũng là lực lượng nòng cốt, chủ yếu để giải quyết các vấn đề xung đột xảy ra theo chủ trương của Đảng nhằm bảo đảm tính dân sự để xử lý các tình huống về quốc phòng an ninh trên biển, phục vụ yêu cầu đối ngoại một cách hợp lý khi xảy ra các vụ việc. Đây là một chủ trương đúng đắn”- ĐB phát biểu.
ĐB Lâm Đình Thắng (TPHCM) đề nghị phải xác định rõ trong luật việc Nhà nước phải đầu tư cho lực lượng CSB hiện đại, tinh nhuệ, tăng sức chiến đấu cho CSB trong tình hình hiện nay.
Theo ĐB Lâm Đình Thắng, về tiêu chuẩn CBS cần chú ý về khả năng ngoại ngữ để tăng hiệu quả thực thi nhiệm vụ, vì thực tế những tranh chấp hiện nay trên biển liên quan nhiều đến yếu tố nước ngoài. ĐB cũng cho rằng, cần có quy định về thanh tra, kiểm tra để tránh lạm dụng quyền hạn của CSB.
Thiếu tướng Ngô Minh Châu tán đồng quy định CSB là lực lượng vũ trang. ĐB cũng đề nghị rà lại quy định về quyền hạn của CSB để tránh chồng chéo về quyền hạn giữa các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên cùng một vùng biển.