ĐBQH: Phân cấp, tạo chủ động cho địa phương để thúc đẩy đầu tư công

Đại biểu (ĐB) Quốc hội dẫn chứng, việc thực hiện dự án đầu tư cầu Kênh Vàng đã có chủ trương của Quốc hội nhưng quy trình, thủ tục mất gần ba năm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại tổ
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại tổ

Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Thảo luận về Luật Đầu tư công, ĐB Nguyễn Anh Tuấn (Bắc Ninh), Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhất trí việc phân cấp, phân quyền mạnh. Ông nói: “Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện dự án đầu tư cầu Kênh Vàng nối Bắc Ninh và Hải Dương. Chủ trương của Quốc hội đã có nhưng quy trình, thủ tục mất gần ba năm, vừa rồi mới khởi công được".

Do đó, theo ĐB, với những địa phương đã cân đối được ngân sách và điều tiết về Trung ương, có nhu cầu phát triển hạ tầng chiến lược liên vùng để đảm bảo kết nối vùng thì việc cho UBND cấp tỉnh làm chủ trương đầu tư các công trình liên vùng là cần thiết. "UBND cấp huyện đầu tư các công trình giữa 2-3 huyện cũng là cần thiết”, ĐB nói.

Với những dự án lớn, quan trọng, theo ĐB Nguyễn Anh Tuấn, quá trình chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện đầu tư phải có ý tưởng từ khóa trước thì đến khóa sau mới đủ điều kiện chuẩn bị về nguồn vốn, mặt bằng, khởi công được. Nếu đợi đến Đại hội Đảng bộ xong, chờ chủ trương của Nghị quyết Đại hội mới bắt đầu thực hiện, chuẩn bị đầu tư thì đến cuối nhiệm kỳ chưa xong đối với công trình quy mô lớn.

1.jpg
ĐB Nguyễn Anh Tuấn (Bắc Ninh)

Vì vậy, ĐB đồng tình hạn mức chuyển tiếp giữa hai kỳ trung hạn tối đa là 50%, bởi chúng ta có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Điều này cũng nhằm tránh tình trạng khóa trước ban hành danh mục quá nhiều, gây sức ép cho khóa sau, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo quy định hiện nay của Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn triển khai cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 6 - 7 tháng để thực hiện 11 bước), gây ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn.

Do đó, Chính phủ trình phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang cho Thủ tướng, nhằm cắt giảm trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ.

Việc phân cấp trong đầu tư công này sẽ cắt giảm được nhiều trình tự, thủ tục (giảm được 5 bước, giảm thời gian khoảng 3 tháng), sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đề xuất này được ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) và nhiều ĐB nhất trí.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn).jpg
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu

Theo một số ĐB, quy định của Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Do đó, nếu quy định phân cấp thẩm quyền cho UBND cùng cấp như tại dự thảo luật thì cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc lạm quyền trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Về luật sửa 7 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia), các ý kiến đều tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Trong đó, đối với Luật Ngân sách Nhà nước, ĐB Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nêu kiến nghị về việc cho ngân sách địa phương này hỗ trợ các địa phương khác với mục đích an sinh xã hội. Ông nói: “Các địa phương rất muốn hỗ trợ nhau và cũng có nguồn để hỗ trợ nhau thực hiện các hoạt động an sinh, nhất là nhà ở".

Hiện tại, quy định đang giới hạn chỉ được hỗ trợ khi có thiên tai, còn những việc khác thì không được chi.

"Tôi đề xuất bổ sung quy định cho phép những địa phương tự cân đối được ngân sách và điều tiết về Trung ương thì có thể hỗ trợ các địa phương khác để thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội”, ĐB Nguyễn Anh Tuấn nêu.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, việc bổ sung hành vi không công bố thông tin của người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này tại dự thảo luật còn “khiên cưỡng và chưa phù hợp”.

“Chúng ta không thể vì không quản lý được thì cấm, mà nên căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của các hành vi để xử lý theo hướng thật nặng đối với các hành vi cố tình vi phạm và xử lý ở mức độ hợp lý đối với các hành vi do vô ý”, ĐB Nguyễn Như So nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Như So đề nghị, dự thảo luật cần nghiên cứu bỏ nội dung bổ sung “không công bố thông tin về dự kiến giao dịch là một hành vi bị cấm". Thay vì cấm, nên tăng cường các biện pháp giám sát hợp lý từ các thành viên thị trường như các công ty chứng khoán, sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước... sẽ giúp thị trường duy trì tính công khai và không làm giảm quyền tự chủ của cá nhân và các tổ chức.

Tin cùng chuyên mục